Thứ sáu, 26/04/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Lễ hội Hoa Lư: Cuộc hành hương về nguồn nhiều ý nghĩa

Thứ sáu, 20/04/2018 | Đã xem: 2941 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 

Không ai nhớ chính xác những câu ca trên được ra đời từ bao giờ, nhưng chỉ biết từ hàng trăm năm nay nó đã như một lời nhắc nhở, gọi mời của người dân đất Cố đô Hoa Lư đối với những người con đất Việt: Tháng Ba nhớ về dự hội Trường Yên.

Cố đô vào Hội
Cố đô vào Hội

 

 

Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ vào dịp đầu tháng Ba âm lịch là những người con vùng Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình cũng như nhiều người dân đất Việt lại náo nức chờ đón đến ngày khai hội Hoa Lư. Về đây, người dân cũng như du khách tham quan sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, sơn thủy hữu tình với những dãy núi đá vôi xếp thành hàng trùng điệp, dưới chân núi là những cánh ruộng xanh mướt, dòng sông uốn lượn thấp thoáng cánh cò bay. Hơn thế nữa, về đây ta còn được hòa mình vào không gian lễ hội vừa trang nghiêm, xúc động, vừa vui tươi, phấn chấn bởi các nội dung của phần lễ và phần hội đem lại. Đối với nhiều người, đây chính là dịp hành hương về nguồn nhiều ý nghĩa. Ông Bùi Minh Thanh, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: Quê tôi ở Gia Viễn, Ninh Bình, sống xa quê đã lâu nhưng tôi luôn hướng lòng mình về quê cha, đất tổ. Những năm gần đây dù bận song tôi vẫn bố trí thời gian đưa vợ con về thăm quê. Khoảng thời gian này năm ngoái tôi và gia đình đã có dịp tham dự Lễ hội Hoa Lư. So với mấy chục năm trước, quy mô lễ hội giờ đã được nâng lên nhiều, nội dung phần lễ và hội cũng phong phú và chỉn chu hơn, nhân dân và du khách về dự lễ hội cũng đông hơn. Nhờ có việc tham dự lễ hội mà các con, cháu tôi cũng hiểu thêm về truyền thống lịch sử quê hương mình, dân tộc mình và thêm trân trọng những điều mình đang có.

Lễ hội Hoa Lư (xưa còn gọi là hội Trường Yên, hội Cờ Lau; gần đây là Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, lễ hội Trường Yên…) được hình thành và duy trì từ nghìn năm nay. Qua các tài liệu đọc được cho thấy, ở mỗi triều đại phong kiến lễ hội có thể được tổ chức dưới những quy mô khác nhau, khi thì như một lễ hội làng, hội vùng, cũng có khi là một quốc lễ. Về thời gian tổ chức lễ hội cũng có thay đổi. Thời vua Lý, Trần, Lê, Mạc đều lấy ngày kỵ của vua Đinh (ngày 16/8 âm lịch) làm ngày lễ để tưởng nhớ, tri ân công đức Đinh Tiên Hoàng đế. Đến thời vua Khải Định thì lấy ngày vua Đinh đăng quang ngôi Hoàng đế là ngày 10/3 âm lịch làm ngày lễ.

 

Giáo dục truyền thống lịch sử quê hương cho thế hệ trẻ
Giáo dục truyền thống lịch sử quê hương cho thế hệ trẻ

 

Trước đây, lễ hội thường diễn ra trong một ngày. Những năm gần đây lễ hội được tổ chức trong ba ngày, từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, cũng có năm tổ chức sớm hơn một vài ngày.

Nhìn lại lịch sử phát triển, dù ở quy mô nào, tên gọi nào thì Lễ hội Hoa Lư vẫn luôn khẳng định được vị trí, ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa của mình. Trước hết, đây là dịp để nhân dân thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tôn vinh, tưởng niệm, tri ân các vị hoàng đế, anh hùng dân tộc như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và các vị quan trong triều đình đã có nhiều công lao với dân với nước: Chính trên mảnh đất Hoa Lư lịch sử, vào năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã hoàn thành sứ mệnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nước Đại Cồ Việt-Nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, thời kỳ độc lập, tự chủ sau hàng nghìn năm Bắc thuộc. Lễ hội Hoa Lư cũng là nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa chung của cả cộng đồng, là dịp để mỗi người gửi gắm ước mong, tâm nguyện cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình, làng xóm, quê hương an vui, hạnh phúc. Thông qua hoạt động của lễ hội cũng để nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, thương nòi, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ người dân Việt Nam để từ đó đoàn kết một lòng viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc trong thời đại ngày nay…

Một mùa lễ hội mới đang về trên mảnh đất Hoa Lư lịch sử, hy vọng với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những giá trị về lịch sử, văn hóa cùng với tấm lòng hiếu khách của người dân vùng đất “địa linh nhân kiệt” sẽ đem đến sự hài lòng cho nhân dân và du khách thập phương khi thực hiện cuộc hành hương đầy ý nghĩa về với Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến.

Bài, ảnh: Hà Trang - Thế Minh

Báo Ninh Bình

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

700194

Trực tuyến : 6

Hôm nay : 56

Hôm qua : 808