Thứ sáu, 29/03/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 02/2020

Thứ năm, 01/01/1970 | Đã xem: 330 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực

 trong tháng 02 năm 2020

 

         1. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa


        Ngày 13/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2020. Theo đó, trình tự, thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa như sau:

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm gửi 01 bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã theo Mẫu số 04.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này.

         - Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, UBND cấp xã phải hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký.

- Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của UBND cấp xã, trong thời gian 05 ngày làm việc, UBND cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất.

- Trường hợp không đồng ý, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản theo Mẫu số 05.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này.

- Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định tại Điều này được thống kê là đất trồng lúa.

 

2. Quy định về văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2020. Theo đó, hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm:

- Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;

- Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;

- Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;

- Văn bằng trình độ tương đương là Văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

 

3. Phạt đến 2 triệu đồng nếu bán thuốc bảo vệ thực vật chung với lương thực, thực phẩm

Ngày 03/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, có hiệu lực thi hành từ ngày 18/02/2020. Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật sau đây:

- Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chung với các loại hàng hóa khác như: Lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc y tế, thuốc thú y;

- Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng; thuốc không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có trị giá dưới 5.000.000 đồng;
        - Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn;

- Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 63 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong quá trình hoạt động kinh doanh.

 

 

4. Sửa đổi về Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Ngày 03/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2020/NĐ-CP sửa đổi Điều 17 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/02/2020. Theo đó, Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Diện tích từng loại đất dự kiến thu hồi;

- Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất;
        - Dự kiến mức bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đối tượng thu hồi đất; dự kiến giá đất bồi thường đối với từng loại đất, từng loại vị trí;

- Phương án bố trí tái định cư (dự kiến số hộ tái định cư, địa điểm, hình thức tái định cư);

- Dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và nguồn vốn để thực hiện;
       - Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

       - Dự kiến thời gian và kế hoạch di chuyển, bàn giao mặt bằng.

       Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thể hiện các nội dung nêu trên cho toàn bộ dự án và chi tiết đến từng địa phương (nếu có). Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong các nội dung quy định tại Khoản này phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.

 

5. Giá trị pháp lý của vi bằng

Ngày 08/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, có hiệu lực thi hành từ ngày 24/02/2020. Theo đó, giá trị pháp lý của vi bằng được quy định như sau:

- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

 

 

6. Cơ chế trung ương hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai
        Ngày 27/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2020. Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 2 Quyết định này và đề nghị hỗ trợ của các địa phương tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Quyết định này, ngân sách Trung ương hỗ trợ về dân sinh và khôi phục cơ sở hạ tầng như sau:

- Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên: Hỗ trợ tối đa 80% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

- Các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương: Hỗ trợ tối đa 70% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

- Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương dưới 50%: Hỗ trợ tối đa 50% phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

        - Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện.

- Các trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

       7. Hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách Nhà nước

Ngày 19/12/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 87/2019/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước, có hiệu lực 01/02/2020. Theo đó, hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách Nhà nước là các hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng đối với các khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước và các hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thu hồi tạm ứng đối với các khoản chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư trên 500.000.000 đồng.

 

8.Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy rừng

Ngày 27/12/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2020. Theo đó, 6 nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy rừng là:

- Phòng cháy và chữa cháy rừng phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng.

- Chủ động, sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng phải được thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chịu trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, bao gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

- Chỉ đạo, chỉ huy thống nhất; phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham gia chữa cháy rừng.

- Trong quá trình chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.

                                                                     Phòng Tư Pháp                         
 

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

659649

Trực tuyến : 19

Hôm nay : 635

Hôm qua : 946