Thứ sáu, 29/03/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Đoàn viên, thanh niên xã Ninh Xuân xung kích phát triển kinh tế

Thứ tư, 16/04/2014 | Đã xem: 350 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 

Đoàn viên, thanh niên xã Ninh Xuân xung kích phát triển kinh tế

Những năm qua, với tinh thần xung kích, sáng tạo, đoàn viên, thanh niên xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư) đã phát huy sức trẻ, xây dựng nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH may Tín Phúc, xã Ninh Xuân. Ảnh: T.M
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH may Tín Phúc, xã Ninh Xuân. Ảnh: T.M

 

Theo giới thiệu của đồng chí Bí thư Đoàn xã Ninh Xuân, chúng tôi đến thăm Công ty TNHH Tâm Chương của anh Nguyễn Văn Chương ở thôn Áng Ngoại. Đưa chúng tôi đi thăm nhà xưởng sản xuất, anh Chương chia sẻ, trong những năm gần đây xã Ninh Xuân có diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án khu du lịch sinh thái Tràng An khá lớn, ngoài một bộ phận tham gia hoạt động du lịch thì lượng lao động, đặc biệt là thanh niên còn dôi dư không nhỏ. Sau khi học tập mô hình sản xuất, kinh doanh ở nhiều nơi, anh Chương nhận thấy nghề may túi sinh thái phục vụ siêu thị khá phù hợp với điều kiện tại địa phương do sẵn có nguồn nhân công giá rẻ và thị trường tiêu thụ...

 

Với suy nghĩ đó, anh Chương đã huy động vốn của bạn bè, người thân và vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh uỷ thác của Đoàn xã để đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc, xây dựng nhà xưởng, tuyển lao động sản xuất sản phẩm túi sinh thái. Ban đầu, doanh nghiệp của anh cũng gặp không ít khó khăn do kinh nghiệm còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, nhưng với ý chí, quyết tâm không ngại khó, ngại khổ của tuổi trẻ, anh đã đi các siêu thị giới thiệu tính ưu việt của sản phẩm sinh thái thân thiện với môi trường.

 

Nhờ chất lượng tốt, giá cả phù hợp nên số lượng đơn đặt hàng đến với doanh nghiệp ngày một nhiều. Đến nay, sản phẩm túi sinh thái của anh đã có mặt trong nhiều hệ thống siêu thị lớn, bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp sản xuất khoảng 350 nghìn sản phẩm, đạt doanh thu gần 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức lương từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Hiện nay, nhiều người biết đến với mô hình may xuất khẩu cho doanh thu gần 4 tỷ đồng của đoàn viên Nguyễn Trung Kỳ ở thôn Khê Hạ. Cũng giống như một số bạn trẻ khác, sau nhiều năm bôn ba khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2009, anh Kỳ cùng vợ trở về với ý chí quyết tâm lập nghiệp tại quê nhà. Được Đoàn thanh niên xã tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi, anh Kỳ đã mạnh dạn huy động thêm vốn từ anh em, họ hàng cải tạo 180 m2 nhà xưởng, đầu tư 20 máy may công nghiệp mở tổ hợp may gia công xuất khẩu với mặt hàng chính là áo rét 2 lớp, 3 lớp sang thị trường Đài Loan.

 

Nhờ sự cố gắng nỗ lực của vợ chồng anh, đến nay tổ hợp đã được nâng cấp lên thành Công ty TNHH Tín Phúc, tạo việc làm cho 35 đoàn viên thanh niên tại địa phương với thu nhập ổn định từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ anh Chương, anh Kỳ, thời gian qua, phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được đoàn viên, thanh niên xã Ninh Xuân tích cực hưởng ứng, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

 

Anh Hoàng Thế Dân, Bí thư Đoàn xã Ninh Xuân cho biết, xác định phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các phong trào thi đua của Đoàn, trong những năm qua, Ban Chấp hành Đoàn xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và vận động đoàn viên, thanh niên, các hộ gia đình trẻ đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Đoàn xã đã chủ động đứng ra nhận uỷ thác số tiền hơn 1 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 50 đoàn viên vay ưu đãi phát triển sản xuất. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, hàng năm, Đoàn xã đã chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề như sửa xe máy, may công nghiệp, cơ khí…, gắn với các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên.

 

Nhờ đó, đến nay, toàn xã đã có trên 30 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân trong xã. Mặc dù nỗ lực vượt khó vươn lên nhưng hầu hết các mô hình sản xuất, kinh doanh của đoàn viên, thanh niên trong xã có quy mô còn khiêm tốn, có mô hình thiếu tính bền vững và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn kinh doanh và mở rộng mặt bằng sản xuất.

 

Để giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, Đoàn thanh niên xã tiếp tục làm tốt công tác nhận uỷ thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên tiếp cận được vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng đầu ra cho sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, phối hợp mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn và tổ chức cho các đoàn viên, thanh niên tham quan, học tập các mô hình làm kinh tế giỏi ở các địa phương trong tỉnh.

 

Bên cạnh đó, Đoàn xã mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền và đoàn cấp trên hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên tiếp cận vốn ưu đãi từ ngân hàng, nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn cũng như mặt bằng sản xuất, tạo điều kiện để các mô hình của thanh niên phát triển ổn định, bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

 

Quốc Khang

Báo Ninh Bình

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

659885

Trực tuyến : 15

Hôm nay : 871

Hôm qua : 946