Thứ sáu, 19/04/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực trong tháng 5 năm 2020

Thứ hai, 04/05/2020 | Đã xem: 320 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực

trong tháng 5 năm 2020

 

1. Từ 01/5, người mua được tài sản bán đấu giá có 30 ngày để nộp tiền
      Đây là quy định mới được Chính phủ thay đổi tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án Dân sự.
Cụ thể, người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan Thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm. Quy định mới đã tăng gấp đôi thời gian để người mua được tài sản bán đấu giá có thể chuẩn bị tiền nộp, bởi Nghị định 62/2015/NĐ-CP trước đó chỉ cho phép người mua nộp trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày đấu giá thành. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2020.

2. Cá nhân muốn giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm phải làm đơn
      Ngày 05/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số115/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2020;
Theo đó, với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông có nơi đăng ký thường trú hoặc có nơi đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức hoặc có địa chỉ hoạt động rõ ràng và có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.
Trong trường hợp giao phương tiện giao thông 
vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản thì họ phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện. Trong đơn ghi rõ thông tin về người và phương tiện vi phạm. Đồng thời gửi kèm theo bản có công chứng, chứng thực hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc CMND, Thẻ căn cước…Trong thời hạn không quá 02 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.
      3. Khai thác, sử dụng nước không có giấy phép bị phạt đến 500 triệu đồng
      Ngày 24/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về việc quy định về 
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước và khoáng sản. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2020. Theo đó, cá nhân có hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép bị phạt đến 250 triệu đồng nếu sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ với lưu lượng từ 12.000m3/ngày đêm trở lên; hoặc sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 50.000kW trở lên. Mức phạt này cũng được áp dụng cho hành vi khai thác, sử dụng nước biển phục kinh doanh trên đất liền với lưu lượng từ 2.000.000m3/ngày đêm trở lên. Tổ chức có những hành vi vi phạm này sẽ bị phạt với mức gấp đôi mức phạt nêu trên. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được từ hành vi trên và thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước nếu gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng, số lượng nguồn nước.

4. Bổ sung 01 ngành nghề được ưu đãi đầu tư

Ngày 30/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2020/NĐ-CP về việc bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2020. Theo đó, bổ sung 01 ngành nghề thuộc mục Ngành nghề khác vào Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư  ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Cụ thể, bổ sung ngành nghề Hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm: Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo.

 5. Các doanh nghiệp có giá trị giao dịch từ 1.000 tỷ đồng trước khi tập trung kinh tế phải thông báo

Ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2020. Theo đó, các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
     Thứ hai, tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

Thứ ba, giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
      Thứ tư, thị phần kết hợp của doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế.

6. Thông báo kết luận kiểm tra việc thi hành pháp luật trong 15 ngày
      Ngày 05/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/5/2020. Theo đó, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành phải có văn bản thông báo kết luận kiểm tra gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm tra trong vòng 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra. Kết luận kiểm tra phải có đầy đủ nội dung về nhận xét, đánh giá kết quả đạt được, tổn tại, hạn chế và nguyên nhân của nó trong thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, xử lý các hành vi sai phạm…Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung quy định về cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cụ thể, cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật làm việc theo chế độ hợp đồng theo từng vụ việc, trừ trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Cộng tác viên có trách nhiệm thu thập, tổng hợp thông tin, điều tra, khảo sát, tham gia ý kiến về xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật.

7. Tổ chức tín dụng có thể được miễn phí rút tiền mặt trong tháng

Ngày 25/12/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 27/2019/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2020.
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được miễn phí rút tiền mặt trong tháng khi giá trị tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán nhỏ hơn hoặc bằng giá trị tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về ngân hàng Nhà nước cùng nơi mở tài khoản. Nếu vượt quá mức này, các tổ chức nói trên sẽ phải chịu mức phí 0,005% trên số chênh lệch dương trong tháng.

8. Từ 05/5, áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học cho 03 nhóm ngành
      Ngày 20/3/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/5/2020. Theo đó, từ ngày Thông tư này có hiệu lực, những ngành đào tạo thuộc 03 nhóm ngành sau đây được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học:
      Thứ nhất, nhóm ngành 
Du lịch bao gồm: Du lịch (mã ngành 7810101); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (mã ngành 7810103) và các mã ngành đào tạo trong nhóm ngành Du lịch chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch.

     Thứ hai, nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng bao gồm: Quản trị khách sạn (mã ngành 7810201); Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (mã ngành 7810202) và các mã ngành đào tạo trong nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch.

      Thứ ba, nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin bao gồm: Khoa học máy tính (mã ngành 7480101); Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (mã ngành 7480102); Kỹ thuật phần mềm (mã ngành 7480103); Kỹ thuật máy tính (mã ngành 7480106);…

      9. Hủy toàn bộ các bài thi của thí sinh bị đình chỉ thi

       Đây là quy định mới được bổ sung tại Thông tư số 08/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 và Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT ngày 18/03/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,  có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/5/2020. Theo quy định mới được sửa đổi, bổ sung, trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định. Thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm. Thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy toàn bộ kết quả các bài thi trong kỳ thi năm đó.

      10. 15 mẫu giấy tờ về quốc tịch mới áp dụng từ ngày 24/5

      Đó là nội dung mới được Bộ Tư pháp thông qua tại Thông tư số 02/2020/TT-BTP về việc ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý mẫu sổ quốc tịch và mẫu giấy tờ về quốc tịch ngày 08/4/2020. Cụ thể, Bộ ban hành 04 mẫu sổ quốc tịch là: Sổ thụ lý hồ sơ các việc về quốc tịch (TP/QT-2020-STLHSQT); Sổ đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam (TP/QT-2020-SĐKXĐCQTVN); Sổ cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam (TP/QT-2020-SCGXNCQTVN); Sổ cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam (TP/QT-2020-SCGXNGVN). Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành 15 loại mẫu giấy tờ về quốc tịch bao gồm: Đơn xin nhập quốc tịch Việt nam; Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam (dùng cho người giám hộ/người đại diện theo pháp luật làm Đơn xin nhập quốc tịch Việt nam cho người được giám hộ/người đại diện); Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam; Bản khai lý lịch; Danh sách người được đề nghị giải quyết các việc về quốc tịch;…Trong đó, công chức làm công tác quốc tịch phải tự mình ghi đầy đủ thông tin vào Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hồ sơ, Trích lục đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/5/2020.

      11. Công chức xác minh hồ sơ hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ 1 tháng lương cơ sở/tháng

       Ngày 13/4/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2020. Theo quy định mới, công chức, viên chức thường xuyên phải đi kiểm tra, xác minh hồ sơ đối tượng hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại khu dân cư mà tự túc bằng phương tiện cá nhân và không thuộc đối tượng phạm vi thanh toán chế độ công tác phí theo quy định thì được hỗ trợ theo phương thức thanh toán chế độ công tác phí gồm tiền nhiên liệu, khấu hao xe và chi phí gửi xe nhưng tối đa không quá 01 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Mức khoán cụ thể do Thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi nguồn chi phí quản lý được sử dụng. Ngoài khoản chi cho cán bộ, viên chức, chi phí quản lý đối với bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn hỗ trợ chi tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; Hỗ trợ chi phí in ấn, văn phòng phẩm, phô tô tài liệu; chi phí bảo quản, lưu trữ tài liệu có liên quan; chi phí chuyển tiền chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho Kho bạc Nhà nước…

                                                                          Phòng Tư pháp

 

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

672557

Trực tuyến : 8

Hôm nay : 50

Hôm qua : 610