Thứ sáu, 19/04/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Làng nghề đá Ninh Vân khôi phục sản xuất trong tình hình mới

Thứ hai, 29/11/2021 | Đã xem: 249 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Làng nghề đá Ninh Vân khôi phục sản xuất trong tình hình mới

  

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ - CP về "Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", các địa phương khơi dòng lưu thông hàng hóa, người dân tại làng nghề đá mỹ nghệ truyền thống Ninh Vân (huyện Hoa Lư) đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục, phát triển sản xuất.

Làng nghề đá Ninh Vân khôi phục sản xuất trong tình hình mới

Cơ sở đá mỹ nghệ cao cấp Đức Toàn tăng cường sản xuất phục vụ các đơn hàng dịp cuối năm.

So với nhiều làng nghề truyền thống khác thì làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân có sự phát triển mạnh mẽ khi có tới hơn 80% lao động trong xã tham gia làm nghề và hơn 600 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, chế tác đá. Doanh thu của làng nghề mỗi năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, sự phát triển này đã phần nào bị chững lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay, nhiều đơn hàng ngoại tỉnh không thể vận chuyển, thi công được khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động cầm chừng, không ít người lao động phải nghỉ việc. 

Ông Lã Huy Vượng, Tổ nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân cho biết: Từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát, các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội... đều có dịch, việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu khó khăn, sản phẩm làm ra tiêu thụ rất chậm. Hoạt động tiêu thụ co về nội tỉnh. Ước tính khối lượng các đơn hàng giảm khoảng 30% so với trước đây. Một chủ cơ sở khác chia sẻ: Quá trình sản xuất của chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều, bởi đa phần là lao động tại chỗ. Tuy nhiên, với các đơn hàng ở các địa phương nằm trong vùng dịch thì chúng tôi không đưa đi lắp đặt được bởi các chi phí, thủ tục về xét nghiệm, cách ly khá phức tạp, tốn kém. Sản phẩm tồn kho, đọng vốn, có thời điểm chúng tôi buộc phải cắt giảm lao động. 

Từ tháng 10 đến nay, sau khi Chính phủ ban hành "Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", việc giãn cách được nới lỏng, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi hơn, đơn hàng cũng tăng dần, các doanh nghiệp, tổ hợp, hộ gia đình nhanh chóng bắt tay vào khôi phục, phát triển sản xuất.

Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ cao cấp Đức Toàn (thôn Vũ Xá) hiện có 4 công nhân làm việc. Trước khi vào làm việc, các công nhân đều phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay). "Các công nhân ở đây hầu hết đều là bà con trong làng và đã được tiêm vắcxin để phòng dịch. Việc trở lại sản xuất không chỉ đem lại niềm vui cho công nhân mà còn giúp họ có thu nhập để trang trải cuộc sống"- anh Lã Văn Toàn, chủ cơ sở cho biết. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau một thời gian trầm lắng, làng đá bắt đầu rộn rã âm thanh của tiếng máy, tiếng công nhân lao động và xe vận tải. Mỗi doanh nghiệp hay xưởng đá trở lại hoạt động với mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung, các cơ sở đạt khoảng 70- 80% công suất trở lên.

Hiện, sản phẩm của làng nghề khá đa dạng, phong phú hơn, được chia thành nhóm sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày, nhóm chạm khắc đá mỹ nghệ. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm thì nhóm phục vụ nhu cầu tâm linh (lăng mộ đá, đồ thờ bằng đá, cuốn thư đá...) được đặt hàng nhiều hơn cả. Để thích ứng trong điều kiện dịch bệnh, thay vì khách đến tận nơi xem, đặt hàng như trước thì nay đa phần giao dịch qua điện thoại, Facebook, Zalo... Sau khi xác nhận đơn hàng, mẫu mã, doanh nghiệp sẽ chủ động sản xuất và vận chuyển, lắp đặt tận nơi.

Dù người dân làng nghề rất phấn khởi khi sản xuất bắt đầu phục hồi nhưng thực tế sau những tác động của dịch COVID-19, họ vẫn gặp không ít khó khăn. Nhất là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, tiềm lực còn hạn chế, sau thời gian dài hoạt động cầm chừng thì nguồn thu hạn hẹp, việc đầu tư tái sản xuất gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, do dịch COVID-19, kinh tế bị ảnh hưởng, khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Việc có đơn hàng mới hay không phụ thuộc nhiều vào diễn biến phòng, chống dịch bệnh, khả năng phục hồi kinh tế. Do đó, khôi phục sản xuất hay không với làng nghề đá Ninh Vân không phải câu chuyện ngày một, ngày hai. Với nhiều doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình ở làng nghề, phía trước còn nhiều khó khăn nhất là về nguồn vốn. Do đó, doanh nghiệp mong muốn giảm nhẹ thủ tục, để mọi người dễ tiếp cận. Chính quyền nên có những khoản vay ưu đãi để các cơ sở sản xuất làng nghề có thể từng bước khôi phục sản xuất...

Theo Baoninhbinh.org.vn

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

672602

Trực tuyến : 5

Hôm nay : 95

Hôm qua : 610