Thứ năm, 25/04/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Xây dựng và rèn luyện nhân cách người cán bộ lãnh đạo

Thứ hai, 10/09/2018 | Đã xem: 585 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 Thấm nhuần quan điểm của Chủ tich Hồ Chí Minh: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn thì mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”, do đó, xây dựng và rèn luyện nhân cách người cán bộ lãnh đạo là một trong những nội dung quan trọng của công tác cán bộ, góp phần để mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng phải có đủ tài và đức - đó là điều kiện cần và đủ; trong đó, đạo đức được coi là gốc của nhân cách và tài giữ vai trò quan trọng: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn… chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức thì hỏng”. Những yêu cầu của Hồ Chí Minh về nhân cách của người cán bộ lãnh đạo thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt trong tiến trình cách mạng Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ở mỗi giai đoạn nhất định, yêu cầu về năng lực và phẩm chất đạo đức của người cán bộ lãnh đạo lại có những yêu cầu cụ thể, song tựu trung lại thì đó phải là những người luôn nỗ lực “học để làm việc, làm người làm cán bộ. Học để phục sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Tâm huyết và trăn trở với công tác cán bộ, trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn dành một phần để nói về Đảng, về sự phấn đấu, tu dưỡng của người cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”

Những yêu cầu cần và đủ về tài và đức Hồ Chí Minh nêu ra góp phần xây dựng nhân cách người cán bộ lãnh đạo, đảm bảo uy tín và khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quần chúng thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do đó, trong mọi thời điểm, thời chiến hay thời bình, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, người cán bộ lãnh đạo không chỉ phải có bản lĩnh, kiên định thực hiện mục tiêu cách mạng mà còn phải luôn học hỏi và lắng nghe; dám nghĩ, dám làm và dám ra quyết định ở những thời điểm khó khăn, có tính bước ngoặt; gần gũi, chân thành, tin tưởng đồng chí, đồng bào, v.v.. để quy tụ được mọi người, nhân nguồn sức mạnh của khối đoàn kết trong Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, những yêu cầu về nhân cách của người cán bộ lãnh đạo theo quan điểm của Hồ Chí Minh càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa. Thực tế nhiệm vụ cách mạng, những quy luật vận động của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã hoàn toàn khác với những quy luật vận động của thời kỳ đấu tranh giành chính quyền. Con đường để nhân dân Việt Nam đi đến độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển bền vững không chỉ dừng lại ở lối làm việc chủ quan và kinh nghiệm. Vì vậy, với vị thế lãnh đạo, người cán bộ cần phải bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, bao gồm cả năng lực trí tuệ, khả năng quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, phòng và chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa. Đó chính là tiêu chí, là thước đo, góp phần đánh giá hiệu quả công tác của người cán bộ lãnh đạo.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nhìn chung, đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao...”. Song vẫn còn “một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...”. Hơn bao giờ hết, nhằm đáp ứng yêu cầu và tình hình, nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng và rèn luyện nhân cách của cán bộ lãnh đạo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh càng trở nên cần thiết, cấp bách. Do đó, để khắc phục những tồn tại trên; thấm nhuần những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh và thiết thực đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ đề năm 2018 về “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong công tác cán bộ cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, cấp ủy các cấp chú trọng việc rèn luyện nhân cách của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trên cơ sở tiêu chí, tiêu chuẩn của từng chức danh, chức vụ cán bộ lãnh đạo được cấp có thẩm quyền ban hành. Từ đó, tiếp tục lựa chọn, đánh giá, đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ lãnh đạo đúng theo năng lực và phẩm chất đạo đức. Tổ chức thực hiện tốt việc bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ lãnh đạo theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 và Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; kiên quyết khắc phục “tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra.

Hai là, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp; gắn đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tạo điều kiện và gắn việc giáo dục rèn luyện của tập thể với phát huy tính chủ động tự giác trong rèn luyện và tu dưỡng của mỗi cá nhân cán bộ lãnh đạo.

Ba là, nêu cao tính tiền phong gương mẫu, thống nhất giữa nói và làm của người cán bộ lãnh đạo trong xây dựng kế hoạch và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ; giữa nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý với rèn luyện phong cách, tác phong công tác khoa học, dân chủ, sáng tạo, gần dân, trọng dân, gắn bó mật thiết với nhân dân; giữa nêu gương đạo đức, lối sống, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư với phòng và chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng, lợi dụng chức quyền, thu vén cá nhân…; giữa tự phê bình và phê bình với nghiêm túc khắc phục những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ban Tuyên Giáo huyện ủy

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

699892

Trực tuyến : 16

Hôm nay : 562

Hôm qua : 818