Thứ năm, 28/03/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư
Văn bản Tỉnh:

SỔ TAY HƯỚNG DẪN CHO CÔNG DÂN THỰC HIỆN QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

Số ký hiệu
Trích yếu
SỔ TAY HƯỚNG DẪN CHO CÔNG DÂN THỰC HIỆN QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
Ngày hết hiệu lực
Trích yếu SỔ TAY HƯỚNG DẪN CHO CÔNG DÂN THỰC HIỆN QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN
Danh mục Văn bản Tỉnh
Hình thức văn bản
Lĩnh vực Giao thông vận tải
File đính kèm

 BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH

 

 

 

 

 

 

 

SỔ TAY HƯỚNG DẪN CHO CÔNG DÂN THỰC HIỆN QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NHÀ XUẤT BẢN TƯ PHÁP - 2017

 

CHỦ BIÊN:

TS. Nguyễn Thị Hạnh

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

THAM GIA BIÊN SOẠN:

1. TS. Nguyễn Thị Kim Thoa

Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

2. TS. Mai Thị Kim Huế

Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

3. NCS. Nguyễn Quỳnh Liên

Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

4. ThS. Chu Thị Thái Hà

Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

5. ThS. Hoàng Thanh Thảo

Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

6. ThS. Phạm Thị Hậu

Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

7. ThS. Dương Thị Ngọc Chiến

Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

 

 

LỜI GIỚI THIỆU

Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của công dân, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; bảo đảm sự dân chủ, công bằng và tăng cường trách nhiệm của công dân; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp; tạo tiền đề thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

Ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Đây là Luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Để triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin, ngày 15/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1408/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin. Ngày 14/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin. Theo đó, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng sổ tay hướng dẫn cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin. 

Nhằm giúp cho công dân nắm bắt kịp thời những quy định của Luật Tiếp cận thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Luật, đồng thời góp phần tăng cường nhận thức của công dân trong việc thực hiện quyền của mình, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, biên soạn cuốn “Sổ tay hướng dẫn cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin”.

Cuốn sách được biên soạn lần đầu nên không tránh khỏi những thiếu sót, Nhà xuất bản Tư pháp và các tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các độc giả để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần tái bản.

                             Hà Nội, tháng 12 năm 2017

                         NHÀ XUẤT BẢN TƯ PHÁP

 

 

 

1. Quyền tiếp cận thông tin và việc ban hành
Luật Tiếp cận thông tin

 

Quyền tiếp cận thông tin là quyền của công dân trong việc tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ. Song song với quyền tiếp cận thông tin của công dân là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc chủ động công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.

Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển năm 1992, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.

Ở nước ta, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định quyền được thông tin là quyền cơ bản của công dân. Cụ thể hóa Hiến pháp, cùng với quá trình đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực, góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, góp phần đưa chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đi vào cuộc sống.

Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền được thông tin của công dân và sửa đổi thành quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định các nguyên tắc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin; khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quy định nguyên tắc quyền con người, quyền công dân “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn tổ chức bảo đảm thực hiện quyền của công dân trong việc tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ, ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Đây là Luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

2. Nội dung của Luật Tiếp cận thông tin

Luật Tiếp cận thông tin quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Như vậy, Luật tập trung vào việc giải quyết những vấn đề liên quan nhằm bảo đảm một người dân bình thường có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình. Luật được bố cục gồm 5 chương, 37 điều với các nội dung chính như sau:

Chương I gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin công dân được tiếp cận; thông tin công dân không được tiếp cận; thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin; cách thức tiếp cận thông tin; các hành vi bị nghiêm cấm; chi phí tiếp cận thông tin; giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo; xử lý vi phạm; áp dụng pháp luật về tiếp cận thông tin.

Chương II quy định về việc công khai thông tin. Công khai thông tin là việc cơ quan nhà nước chủ động công bố thông tin dưới các hình thức khác nhau để người dân tự do tiếp cận, khai thác và tìm hiểu. Theo đó, Luật quy định về thông tin phải được công khai; hình thức, thời điểm công khai thông tin; công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo, niêm yết và việc xử lý thông tin không chính xác.

Chương III quy định về cung cấp thông tin theo yêu cầu. Cung cấp thông tin theo yêu cầu là việc cơ quan nhà nước cung cấp thông tin khi được công dân yêu cầu. Khi có nhu cầu tiếp cận những thông tin ngoài thông tin được công khai hoặc thông tin được công khai nhưng vì lý do nào đó mà công dân không thể tiếp cận được, công dân được quyền gửi yêu cầu đến cơ quan nhà nước đã tạo ra hoặc đang nắm giữ thông tin đó cung cấp cho mình thông tin. Chương này gồm các quy định về loại thông tin được cung cấp theo yêu cầu; hình thức yêu cầu cung cấp thông tin; hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu; tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin; giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin và từ chối yêu cầu cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua mạng điện tử; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax và xử lý thông tin cung cấp theo yêu cầu không chính xác.

 Chương IV quy định về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân. Chương này gồm các quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin; trách nhiệm của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

- Chương V quy định về các điều khoản thi hành, gồm quy định về điều khoản áp dụng và hiệu lực thi hành.

3. Lợi ích của việc thực hiện quyền tiếp cận
thông tin

Thực hiện quyền tiếp cận thông tin bao hàm việc công dân được quyền tiếp cận và biết được những thông tin của Nhà nước, do cơ quan nhà nước tạo ra hoặc nắm giữ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Thực hiện quyền tiếp cận thông tin mang lại lợi ích cho cả hai phía Nhà nước và công dân trên nhiều khía cạnh.

Dưới góc độ kinh tế, việc tăng cường và mở rộng thông tin cũng có nghĩa là tăng cường và nâng cao tri thức, đặc biệt với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin hiện đại, có thể đem đến những biến chuyển cơ bản trong việc sản xuất sản phẩm và dịch vụ. Thông tin công khai, minh bạch còn giúp cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tin tưởng hơn vào các kế hoạch kinh doanh của mình, xây dựng cho mình các kế hoạch đầu tư dài hạn, điều này đem lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí kinh doanh và các rủi ro khi đầu tư.

Dưới góc độ mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, việc công khai các thông tin cũng làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Người dân có đầy đủ các nguồn thông tin giúp họ đóng vai trò chủ động hơn trong xã hội. Người dân cũng tin tưởng hơn vào Nhà nước và sẵn sàng, chủ động đóng góp xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Về mặt chính trị - xã hội, việc công khai thông tin bảo đảm cho quyền tiếp cận công bằng của người dân, tăng lòng tin của người dân đối với Nhà nước và chế độ chính trị, mở rộng các hoạt động chính trị - xã hội và làm cho đất nước ngày một phồn thịnh, an ninh trật tự. Các nhóm lợi ích trong xã hội được duy trì và công bằng, hài hòa hóa, cùng giúp nhau phát triển.

Về mặt hiệu quả quản lý nhà nước, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin làm cho người dân tham gia một cách chủ động hơn vào hoạt động quản lý nhà nước, làm tăng tính trách nhiệm của công dân cũng như các cơ quan công quyền, làm xã hội trở nên năng động và phát triển hơn.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm cơ chế tiếp cận thông tin cũng thiết lập cơ chế giám sát có hiệu quả từ công chúng tới các hoạt động của cơ quan công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính, qua đó, các cơ quan này cũng sẽ hoạt động hiệu quả và trách nhiệm hơn.

Về mặt xã hội, người dân có thể tự mình cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin.

4. Các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về việc tiếp cận thông tin và việc áp dụng Luật Tiếp              cận thông tin

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta, Luật Tiếp cận thông tin không phải là văn bản đầu tiên có quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp đã ghi nhận quyền được thông tin của công dân từ những năm 1992. Tuy nhiên, quy định này được đánh giá là chưa thực sự đầy đủ, chưa hoàn thiện và đặt công dân vào thế bị động trong tiếp cận thông tin. Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa quy định này và phát triển lên một bước, theo đó quyền tiếp cận thông tin của công dân được ghi nhận, bao gồm quyền của công dân tự do trong việc tiếp cận các thông tin do Nhà nước công khai và quyền được chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin khi họ có nhu cầu tiếp cận thông tin.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, trước khi Luật Tiếp cận thông tin được ban hành, trong hệ thống pháp luật đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều cấp khác nhau quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin và quy định quyền của công dân, đặc biệt những người có liên quan trong các vụ việc cụ thể thuộc các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành, được yêu cầu cơ quan nhà nước phụ trách quản lý ngành, lĩnh vực cung cấp thông tin.

Kết quả rà soát năm 2015 trên gần 20 lĩnh vực pháp luật cho thấy, có hơn 80 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có gần 40 luật, pháp lệnh có quy định về việc công khai và cung cấp thông tin cho công dân. Tuy nhiên, các quy định về tiếp cận thông tin trong các văn bản pháp luật nói trên còn tản mạn, có văn bản quy định tương đối đầy đủ về chủ thể, trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin nhưng cũng có những văn bản chưa có quy định, quy định chưa rõ hoặc quy định chưa phù hợp về trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin, dẫn đến thực tế thông tin được công khai nhưng người dân vẫn khó tiếp cận.

Luật Tiếp cận thông tin là văn bản đầu tiên trong hệ thống pháp luật có quy định mang tính chung nhất về việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Do vậy, khẳng định giá trị và ý nghĩa của Luật Tiếp cận thông tin trong hệ thống pháp luật. Luật Tiếp cận thông tin quy định: Luật này áp dụng chung cho việc tiếp cận thông tin của công dân. Theo tinh thần đó thì các quy định của Luật Tiếp cận thông tin sẽ được áp dụng như sau:

Trong trường hợp các luật khác có quy định về tiếp cận thông tin nhưng chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện thì các quy định của Luật Tiếp cận thông tin được áp dụng như phần bù vào các quy định còn thiếu, còn chưa hoàn thiện của các văn bản khác.

Trong trường hợp các luật khác có quy định về tiếp cận thông tin nhưng các quy định đó trái với nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin quy định tại Điều 3 của Luật Tiếp cận thông tin thì áp dụng các quy định của Luật Tiếp cận thông tin.

Trong trường hợp luật khác có quy định về việc tiếp cận thông tin mà không trái với các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật Tiếp cận thông tin thì được thực hiện theo quy định của luật đó.

5. Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

Tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, một quyền nền tảng và quan trọng để bảo đảm thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác của công dân. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin quy định nguyên tắc mọi công dân bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin, Luật quy định nguyên tắc thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, công khai, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nhằm quán triệt và thể hiện rõ nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, Luật Tiếp cận thông tin quy định nguyên tắc việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định và chỉ được thực hiện trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác.

Ngoài ra, để bảo đảm mọi công dân được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, nhất là đối với các đối tượng có điều kiện khó khăn, Luật Tiếp cận thông tin quy định nguyên tắc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

6. Tiếp cận thông tin là một quyền có giới hạn

Tiếp cận thông tin là quyền công dân được Hiến pháp ghi nhận. Về nguyên tắc, Nhà nước có trách nhiệm áp dụng các biện pháp khác nhau nhằm bảo đảm công dân thực hiện quyền này một cách hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh tiếp cận thông tin, Nhà nước cũng có trách nhiệm thi hành các biện pháp nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích quan trọng khác. Bên cạnh đó, thực hiện quyền tiếp cận thông tin cũng phải bảo đảm sự tương quan với khả năng và điều kiện thực tế. Việc công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin đòi hỏi phải đặt trong mối quan hệ hài hòa với việc tôn trọng và không được xâm hại tới các quyền và lợi ích hợp pháp khác. Chính vì thế, tiếp cận thông tin là một quyền có giới hạn.

Giới hạn của quyền tiếp cận thông tin được thể hiện trên nhiều khía cạnh. Đó là giới hạn về chủ thể cung cấp thông tin, chủ thể tiếp cận thông tin. Theo đó, chủ thể cung cấp thông tin được tập trung vào các cơ quan nhà nước mà chưa mở rộng đến các đối tượng khác như các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước hay các đơn vị tư nhân được giao thực hiện các nhiệm vụ của nhà nước theo hợp đồng. Chủ thể tiếp cận thông tin chủ yếu là công dân, người nước ngoài chỉ được tạo điều kiện yêu cầu thông tin trong một số trường hợp.

Giới hạn quan trọng đối với quyền tiếp cận thông tin là phạm vi thông tin được tiếp cận. Phạm vi thông tin được tiếp cận loại trừ các thông tin mà việc cung cấp có thể gây hại đối với các lợi ích quan trọng mà Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ như thông tin bí mật nhà nước, thông tin mà việc cung cấp có thể gây nguy hại cho Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

Danh sách liên quan

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

658691

Trực tuyến : 14

Hôm nay : 623

Hôm qua : 1551