Thứ ba, 16/04/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Bác Hồ với thương binh và gia đình liệt sỹ

Thứ hai, 08/07/2019 | Đã xem: 3330 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm công tác “đền ơn đáp nghĩa” cả trên vị trí Chủ tịch nước và tư cách một công dân. Từ kỷ niệm ngày thương binh – liệt sĩ đầu tiên đến khi qua đời, Bác Hồ đã viết tới 25 bức thư động viên thăm hỏi thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, thể hiện tình thương yêu con người sâu sắc, bao la, khắc sâu một tấm lòng nhân hậu, chăm lo, trân trọng đối với những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, vì đồng bào. Đồng thời, chỉ đạo các cấp các ngành thường xuyên chăm lo công tác “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”. Đó là tình cảm, nhân cách đạo đức Hồ Chí Minh. 

Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp bắt đầu, chúng ta đã giành những thắng lợi to lớn, nhưng không tránh khỏi tổn thất. Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến. Thực hiện chỉ thị đó, các cơ quan, các ngành ở trung ương và tỉnh Thái Nguyên đã họp ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ, thống nhất lấy ngày 27-7-1947 làm ngày thương binh toàn quốc. Vào lúc 18 giờ ngày 27-7-1947, khoảng 300 đại biểu Đảng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn thanh niên, Nha thông tin, Cục Chính trị Quân đội, chính quyền huyện, xã, bộ đội, và nhân dân địa phương đã họp mít tinh tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên để nghe công bố bức thư đầu tiên của Bác Hồ gửi Ban thường trực của Ban tổ chức ngày thương binh toàn quốc, và ghi nhận sự ra đời ngày thương binh toàn quốc, Người viết:“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta?  Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh”. Hàng năm cứ đến ngày 27/7, "Ngày Thương binh - liệt sỹ", Người đều gửi thư cho các đồng chí thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những bức thư tuy giản dị, chân thành, chỉ là những lời động viên, an ủi, rất mộc mạc, nhưng lại chứa đựng một tình cảm to lớn và sâu sắc. 

Từ tình thương của Bác đối với thương binh, liệt sĩ, Bác luôn luôn giáo dục cho các thế hệ phải ghi nhớ công ơn của họ. Trong diễn văn đọc tại buổi lễ kỉ niệm 30 năm thành lập Đảng (1960) khi nói về thương binh, liệt sĩ Bác viết : “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ  của Đảng, của dân ta … Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta… ”

Đối với thương binh, Bác căn dặn: “Các chú là những chiến sĩ đã được quân đội nhân dân rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà. Vậy các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng là: giữ gìn kỉ luật, đoàn kết chặt chẽ, thật sự đoàn kết, thương yêu giữa anh em  thương, bệnh binh với nhau, giữa thương, bệnh binh với cán bộ và nhân viên giúp việc ở trại, giữa thương, bệnh binh trong trại với đồng bào xung quanh” (thư gửi thương, bệnh binh trại an dưỡng Hà Nam 6-1957). Người còn nhắc nhở: “khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã làm chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”… “Phải hoà mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân. Phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật”.

Bảy mươi hai năm, kể từ ngày thương binh - liệt sỹ đầu tiên đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp, tổ chức nhiều hoạt động để toàn dân được thực hiện “đền ơn đáp nghĩa” như: Pháp lệnh đối với người có công, Pháp lệnh về phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Phát động các phong trào về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, đỡ đầu nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng, phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà cho các đối tượng người có công, bố trí giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng khó khăn. Các hoạt động đã được triển khai trong toàn xã hội, từ các cấp ở trung ương đến tất cả các cấp chính quyền, đoàn thể, hiệp hội ở địa phượng. Cùng với đó, bản thân thương binh cũng phấn đấu theo lời Bác dặn, vươn lên, nhiều người không những là tấm gương sáng về rèn luyện, vượt qua khó ổn định cuộc sống mà còn trở thành những mẫu mực về đức độ và điển hình về lao động. …

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác “đền ơn đáp nghĩa” đem lại hạnh phúc tốt hơn cho người có công, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng đối với quá khứ hào hùng của dân tộc và tương lai tươi sáng của các thế hệ mai sau. Cũng là tấm lòng của mỗi người tri ân công lao to lớn của Bác Hồ.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

670584

Trực tuyến : 7

Hôm nay : 757

Hôm qua : 945