Thứ sáu, 29/03/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh ( kỳ 5)

Thứ hai, 14/03/2022 | Đã xem: 2436 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh ( kỳ 5)

Tiếp tục thông tin tuyên truyền về những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đạt được trong chặng đường 30 năm qua. Báo Ninh Bình điện tử xin trân trọng đăng tải những nội dung tiếp theo của Đề cương tuyên truyền.

3. Những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đạt được trong chặng đường 30 năm qua

Kể từ ngày 01/4/1992 đến nay, trải qua 30 năm đổi mới và phát triển, dưới ánh sáng đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương Cố đô Hoa Lư anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là:

- Thứ nhất, kinh tế của tỉnh liên tục có tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đồng thời có sự chuyển dịch giữa các thành phần kinh tế và các vùng trong tỉnh; khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện và ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, thu ngân sách đạt kết quả cao.

Trong 30 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng qua các năm; bình quân giai đoạn 1992 - 1995 tăng 13,3 %; giai đoạn 1996 - 2000 tăng 9,6 %; giai đoạn 2001 - 2005 tăng 13,1 %; giai đoạn 2006 - 2011 tăng 15,7 %; giai đoạn 2011-2015 tăng 11,7%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng tăng bình quân 8,03%/năm. Riêng năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng đã đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,71%, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 22.094 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Ninh Bình hoàn thành sớm mục tiêu tự cân đối thu, chi ngân sách mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã đề ra.

Sản xuất công nghiệp - xây dựng mặc dù gặp khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả nổi bật, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 4 huyện được công nhận đạt chuấn NTM và Thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 117/119 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 98,3%); có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 165/1355 thôn đạt Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Huyện Nho Quan và Thành phố Ninh Bình hoàn thành tiêu chí, hồ sơ thủ tục xét công nhận đạt chuẩn huyện NTM, thành phố hoàn thành nhiệm vụ NTM.

Hoạt động xuất, nhập khẩu nỗ lực vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục tăng trưởng. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, du lịch có nhiều chuyển biến về chất lượng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ngành Du lịch đang nỗ lực khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển du lịch; năm 2021, GDRP (theo giá SS 2010) ngành Du lịch ước đạt 15.418,1 tỷ đồng, tăng 4,19% so với năm 2020.

- Thứ hai, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, nông nghiệp, điện năng, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát kinh tế - xã hội

Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng mạnh. Các tuyến đường giao thông: Tuyến đường Đông - Tây, Bái Đính  - Ba Sao, tuyến đường bộ ven biển, Quốc lộ lA, Quốc lộ 10, tuyến đường cao tốc qua Ninh Bình, đường ĐT 477, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ,...và hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, giao thông nội thị cả đường bộ, đường thủy trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, theo hướng khang trang, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội.

Hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt phát triển nhanh, đảm bảo phục vụ cơ bản nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn. 

Hạ tầng du lịch phát triển mạnh, nhiều khu, điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế đang hoàn thiện như: Khu du lịch sinh thái Tràng An; khu tâm linh Chùa Bái Đính; khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư...Hạ tầng thương mại được quan tâm cải tạo, nâng cấp, xây mới theo hướng xã hội hóa, chuyển đổi phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động. Hạ tầng nông nghiệp, phát triển nông thôn được tập trung đầu tư để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống lụt bão, ứng phó biến đổi khí hậu, với các dự án trọng điểm như đê biển Bình Minh IV, xây dựng âu Kim Đài...

Kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, y tế. Tỷ lệ trường học đạt kiên cố hóa cao; cơ sở hạ tầng cho y tế được đầu tư xây dựng, nhiều bệnh viện lớn được tập trung đầu tư xây dựng với quy mô giường bệnh, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân; các thôn, xóm, phố đều có nhà văn hóa. Cơ sở hạ tầng viễn thông, đường truyền Internet không ngừng mở rộng, phát triển đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh.  

- Thứ ba, văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống Nhân dân ngày một được cải thiện, lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được củng cố, phát triển, cơ bản đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội.

Công tác giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia các cấp học chiếm tỷ lệ 96,4%. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được duy trì nâng lên; đến nay là năm thứ 5 liên tiếp Ninh Bình xếp thứ 3 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT; là tỉnh thứ 3 trong cả nước về công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ. 

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng; thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, đảm bảo. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người nghèo, người có công. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 66,5%; công tác giảm nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,44%, hộ cận nghèo còn 2,05% (theo QĐ 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tưởng Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020) và theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2021 - 2025 thì tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 3,07%, hộ cận nghèo 3,48%.

Công tác thông tin, truyền thông được tập trung chỉ đạo với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Nội dung phát thanh, truyền hình được đổi mới, thời lượng phát sóng các chương trình địa phương tăng lên. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì và phát triển; các thiết chế văn hóa tiếp tục được tăng cường. Phong trào thể dục thể thao được duy trì thường xuyên và ngày càng nâng cao về chất lượng; tập trung đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao nhằm nâng cao thành tích cho các vận động viên.

Hoạt động khoa học công nghệ có chuyển biến tích cực; công tác quản lý công nghệ được quan tâm. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, hướng về cơ sở và người lao động; kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, góp phần động viên các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng được thực hiện tốt, từng bước đưa Ninh Bình cùng với các địa phương khác tham gia đầy đủ vào trục liên thông văn bản quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử. 

- Thứ tư, công tác quốc phòng địa phương được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho Nhân dân và môi trường xã hội lành mạnh 

Duy trì thực hiện nghiêm túc chế độ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; tuyển quân, huấn luyện, diễn tập, phòng thủ khu vực, thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp đấu tranh trấn áp tội phạm; nâng cao hiệu quả và phát triển mạnh mẽ Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới biển. Từ năm 2019, thường xuyên tổ chức Lễ đón nhận và tư vấn giới thiệu việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, đảm bảo ý nghĩa, thiết thực.

- Thứ năm, hệ thống chính trị được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên. Phương thức lãnh đạo, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của tỉnh

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm chỉ đạo toàn diện có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả tốt; lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được coi trọng triển khai thường xuyên, toàn diện, đồng bộ, đi vào chiều sâu, sát thực tiễn, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, góp phần giữ vững ổn định tình hình tư tưởng, củng cố niềm tin, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội, Nhân dân. Công tác cán bộ được chú trọng từ khâu tuyển dụng nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành; từng bước thực hiện việc bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương ở cấp tỉnh và cấp huyện. Công tác dân vận của các cấp ủy đảng, chính quyền có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, các hoạt động hướng về cơ sở, gần dân, sát với yêu cầu thực tiễn. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, từng bước đổi mới và đạt chất lượng, hiệu quả, tập trung vào việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác nội chính và phòng chống tham nhũng được tăng cường. 

Hiệu quả hoạt động của HĐND, công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của UBND các cấp có chuyển biến tích cực. Chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục được nâng lên. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị, chức năng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính được triển khai tương đối đồng bộ, quyết liệt, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các cơ quan, đơn vị đã quan tâm triển khai công tác cải cách hành chính tại đơn vị kịp thời, đi vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đảm bảo công khai, minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân. 

30 năm đổi mới và phát triển, Đảng bộ tỉnh đã có sự phát triển về số lượng, chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên. Năm 1992, mới có 636 tổ chức cơ sở Đảng, trên 2000 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và hơn 40.000 đảng viên; đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 672 tổ chức cơ sở đảng, 74.200 đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh được nâng lên, đã lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh qua từng giai đoạn, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và liên tục trên các lĩnh vực.

(còn nữa)

 

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

659928

Trực tuyến : 13

Hôm nay : 914

Hôm qua : 946