Thứ sáu, 19/04/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1992 - 2022) - Kỳ 1

Thứ hai, 14/03/2022 | Đã xem: 2678 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1992 - 2022) - Kỳ 1

PHẦN THỨ NHẤT: VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI NINH BÌNH

Ninh Bình là vùng đất cổ, cách đây hơn 3 vạn năm, người Việt cổ đã cư trú trên mảnh đất này. Qua quá trình biến thiên của lịch sử, vùng đất Ninh Bình có nhiều thay đổi về tên gọi. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình; danh xưng Ninh Bình có từ đây, với ý nghĩa là một vùng đất vững chãi, bình yên thể hiện ý chí quật cường, tinh thần anh dũng, quả cảm của Nhân dân vùng đất này. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), đổi đạo Ninh Bình thành trấn Ninh Bình và đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trấn Ninh Bình được đổi thành tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình chính thức được thành lập năm 1831. 

Ngày 27/12/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 26/12/1991, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới, gồm 5 huyện: Hoàng Long, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp, Kim Sơn và 2 thị xã: Ninh Bình, Tam Điệp. Tháng 11/1993, huyện Hoàng Long được đổi tên thành huyện Nho Quan. 

Tháng 7/1994, huyện Yên Khánh được thành lập lại, đổi tên huyện Tam Điệp thành huyện Yên Mô như trước đây. Ngày 7/2/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP, thành lập thành phố Ninh Bình trực thuộc tỉnh. Ngày 10/4/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 904/ NQ-UBTVQH, thành lập thành phố Tam Điệp trực thuộc tỉnh. 

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 2 thành phố và 6 huyện với 143 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 119 xã, 17 phường và 7 thị trấn. Tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên gần 1.400 km2 , địa hình tự nhiên phân thành 3 vùng rõ rệt: vùng đồi núi bán sơn địa gồm huyện Nho Quan và một phần thành phố Tam Điệp; vùng đồng chiêm trũng gồm huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư; vùng đồng bằng ven biển gồm huyện Kim Sơn, phía Nam huyện Yên Khánh và một phần phía Đông huyện Yên Mô. Hằng năm, vùng bãi bồi thuộc huyện Kim Sơn tiến ra biển khoảng 80 m đến 100 m. 

Rừng núi Ninh Bình nằm trong hệ đá vôi hình cánh cung, chạy dài từ vùng Tây Bắc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Khu rừng nguyên sinh Cúc Phương có nhiều động, thực vật quý hiếm. Núi đá vôi ở Ninh Bình có nhiều hang động đẹp nổi tiếng như Bích Động (Nam thiên đệ nhị động), Địch Lộng (Nam thiên đệ tam động), động Thiên Tôn, động Liên Hoa, đặc biệt là khu hang động Tràng An... vùng đèo Ba Dội là "cổ họng Bắc - Nam", cửa ải trọng yếu giữa Khu III và Khu IV của đất nước. Thiên nhiên đã tạo cho Ninh Bình một vùng đất có biển, có rừng núi, có đồng bằng, giàu tiềm năng phát triển toàn diện và là một địa bàn có thế hiểm yếu về quân sự: tiến có thể đánh, lui có thế giữ. 

Vì vậy, Ninh Bình là một vùng đất mang đầy dấu tích lịch sử. Dân số Ninh Bình năm 1992 có 819.600 người và đến hết năm 2021 tăng lên trên 973.000 người; đại bộ phận dân cư là dân tộc Kinh và có khoảng hơn 20.000 người thuộc dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, sống tập trung ở một số xã miền núi huyện Nho Quan. 

Có 2 tôn giáo chính: Phật giáo và Công giáo; Phật giáo chiếm khoảng 5,18% và Công giáo chiếm 16,3% dân số (chủ yếu tập trung ở huyện Kim Sơn). Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất và con người Ninh Bình đã để lại những dấu ấn đặc biệt. 

Đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng dựa vào địa hình rừng núi Tam Điệp để chống lại quân Đông Hán do Mã Viện chỉ huy, tại đây nhân dân trong vùng đã cung cấp lương thảo, gia nhập nghĩa quân đánh giặc. 

Những năm đầu thế kỷ X, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền dựa vào dãy núi Tam Điệp đắp thành lũy để xây dựng và bảo vệ lực lượng ở miền Thanh Hóa, rồi tiến quân đánh thắng quân Nam Hán, lập chiến công vang dội ở Đại La năm 930, Bạch Đằng năm 938. 

Vào nửa cuối thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, lập vương triều phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dựng kinh đô ở đất Hoa Lư, vào năm 968 xây dựng triều chính và quản lý đất nước. 

Những năm cuối thế kỷ X, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua, lập vương triều nhà Lê (thay thế vương triều Đinh) trực tiếp thống lĩnh quân sỹ kháng Tống, bình Chiêm giữ vững nền độc lập và bờ cõi đất nước. Tiếp theo nhà Lê, năm 1009 Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra nhà Lý, năm 1010 quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (Thăng Long - Hà Nội). 

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII, các vua Trần lấy dãy núi Tam Điệp làm bức tường thành bảo vệ vùng Châu Ái, Châu Hoan (Thanh Hóa, Nghệ An). 

Năm 1285, vương triều Trần thực hiện chính sách "vườn không nhà trống" rút khỏi kinh thành Thăng Long về vùng đất Ninh Bình xây dựng căn cứ địa Trường Yên (thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư ngày nay). Từ căn cứ này, các vua Trần tổ chức quân dân Đại Việt phản công đánh thắng quân Mông - Nguyên xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà. 

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV, nghĩa quân Lê Lợi nhiều lần tiến quân đánh giặc Minh xâm lược, qua vùng Tam Điệp, Nho Quan (huyện Khôi), Nhân dân ủng hộ lương thảo và gia nhập nghĩa quân tham gia chiến đấu, giải phóng các lộ vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

Cuối thời hậu Lê, Ngô Thì Nhậm chọn vùng núi Tam Điệp - Biện Sơn, Ninh Bình làm nơi phòng thủ, chờ đại quân Tây Sơn tiến ra Bắc. Từ Tam Điệp, đại quân Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến đánh tan 29 vạn quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập cho muôn nhà.

(Còn nữa)

 

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

672604

Trực tuyến : 6

Hôm nay : 97

Hôm qua : 610