Thứ hai, 20/05/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư gắn với phát triển du lịch

Thứ sáu, 12/04/2024 | Đã xem: 231 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Cố đô Hoa Lư là một trong ba vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An. Những giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư đang được các cấp, các ngành bảo tồn gắn với phát triển du lịch, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ nét đẹp văn hóa của kinh đô mang đầy đủ các nét đặc trưng của một đô thị cổ truyền phương Đông.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư gắn với phát triển du lịch

Du khách người nước ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Long sàng trước đền Vua Đinh.

Theo tài liệu của Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình: Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên, nơi phát tích sự nghiệp 3 triều đại: Đinh-Tiền Lê và khởi đầu triều Lý. Khu di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích quốc gia đợt đầu tiên năm 1962; được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2012. Những dấu tích lịch sử-văn hóa còn hiện hữu tại khu vực di tích rất phong phú và đa dạng, bao gồm hệ thống kiến trúc thờ tự, tường thành, hang động. Trong khu vực Cố đô Hoa Lư hiện nay còn lưu giữ được hàng nghìn di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. 

Tỉnh Ninh Bình hiện nay có 5 bảo vật quốc gia được lưu giữ, bảo quản tại các di tích thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, như: Cột Kinh Phật chùa Nhất Trụ (công nhận năm 2015), Long sàng trước Bái đường Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (công nhận năm 2017), Long sàng trước Nghi môn ngoại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (công nhận năm 2017), Bộ Phủ Việt Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (công nhận năm 2019), Bộ Phủ Việt Đền thờ Vua Lê Đại Hành (công nhận năm 2019).

Những giá trị đặc biệt của Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư còn được khẳng định thông qua kết quả công tác nghiên cứu khai quật khảo cổ hàng chục năm qua. Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật ở khu vực Cố đô Hoa Lư tiếp tục có những phát hiện mới, góp phần làm rõ hơn lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ thời Bắc Thuộc đến thời Đinh-Tiền Lê, nơi đây, từ thời kỳ tiền Hoa Lư đến đầu công nguyên là một châu trị lớn; tìm thấy và phân tách mặt bằng kiến trúc cung điện thời Đinh-Tiền Lê nằm xếp lên nhau, với quy mô đồ sộ; nghệ thuật Hoa Lư thoát ra khỏi khuôn mẫu của nghệ thuật Bắc thuộc, bắt đầu hình thành yếu tố mới, định hình cho nghệ thuật Đại Việt ở giai đoạn sau... Những phát hiện này đã minh chứng, khẳng định và thay đổi nhận thức về quy mô của kinh đô Hoa Lư từ trước đến nay.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư gắn với phát triển du lịch

Thuyết minh viên Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư hướng dẫn khách quét mã QR tìm hiểu di tích.

Khu di tích cũng là nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, tiêu biểu là Lễ hội Hoa Lư, là lễ hội truyền thống lớn nhất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, diễn ra từ ngày 9-11/3 âm lịch hàng năm, là hoạt động tưởng nhớ và tri ân công lao của các bậc tiên đế, các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Lễ hội đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014.

Kể từ khi di tích được xếp hạng (1962) đến nay, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, trong đó tập trung vào các hoạt động như nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, tổ chức Hội nghị thông báo Khảo cổ học; tổ chức Hội thảo về thân thế, sự nghiệp các nhân vật lịch sử thời Đinh - Tiền Lê, về vị trí, vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử; thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích; Xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Hhu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư; Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo và mở rộng phạm vi một số di tích liên quan đến Nhà nước Đại Cồ Việt nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư...

Xác định di sản văn hóa là thế mạnh của tỉnh, công tác trùng tu, tôn tạo di tích Cố đô Hoa Lư được triển khai cẩn trọng, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về trình tự thủ tục bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật liên quan. Các đơn vị tham gia tư vấn, thi công tu bổ di tích đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực tu bổ di tích, là những đơn vị đầu ngành trong tu bổ, tôn tạo di tích ở Trung ương và địa phương.

Hầu hết các hạng mục chính của khu di tích đều được tu bổ, tôn tạo, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải tạo, nâng cấp, góp phần bảo vệ tính bền vững của di tích và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch. Có thể kể đến các hạng mục công trình như: tu bổ, tôn tạo Quảng trường sân lễ hội; tu bổ, tôn tạo khu lăng mộ Vua Đinh Tiên Hoàng, lăng mộ Vua Lê Đại Hành; tu bổ, tôn tạo các di tích gốc trong khu di tích; tu bổ tôn tạo các di tích liên quan đến Nhà nước Đại Cồ Việt; xây dựng nhà trưng bày khảo cổ…

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư gắn với phát triển du lịch

Hội thơ Cờ Lau xã Trường Yên đi thực tế tìm cảm hứng sáng tác tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư được đẩy mạnh. Chị Đinh Thị Nga, thuyết minh viên Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết: Hằng ngày, Khu di tích đón tiếp rất nhiều du khách đến tham quan khu di tích, đội ngũ hướng dẫn viên đã cung cấp cho du khách những kiến thức về lịch sử, về vai trò của Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành, những đóng góp của các Anh hùng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha, giá trị kiến trúc, nghệ thuật. Hiện nay, Trung tâm đã đưa vào triển khai hệ thống thuyết minh tự động bằng QR với 4 thứ tiếng phục vụ đông đảo du khách.

Với những giá trị văn hóa, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, Khu di tích hàng ngày thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Bà Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết: Chúng tôi xác định nhiệm vụ bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống với việc phát triển du lịch phải được giải quyết hài hòa, thống nhất để tạo nên sự phát triển bền vững. Trung tâm đã chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng phục vụ hướng tới xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư trở thành điểm du lịch về văn hóa, lịch sử, khảo cổ học mang tầm quốc gia và quốc tế.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

713681

Trực tuyến : 5

Hôm nay : 98

Hôm qua : 316