Thứ ba, 16/04/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

25 năm tái lập tỉnh và sự chuyển mình của vùng đất Cố đô

Thứ năm, 04/05/2017 | Đã xem: 490 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

25 năm tái lập tỉnh và sự chuyển mình của vùng đất Cố đô

 

 Huyện Hoa Lư những ngày đầu khi tỉnh Ninh Bình được tái lập năm 1992, với những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước cũng như của tỉnh, đời sống nhân dân huyện Hoa Lư còn gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế, văn hóa, xã hội còn thiếu thốn. Năm 1992, trong cơ cấu kinh tế của huyện Hoa Lư thì nông nghiệp vẫn là chủ yếu, chiếm 66%, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp, lần lượt là 18% và 16%.

Suốt chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, cho dù ở thời kỳ nào, giai đoạn nào, đảng bộ chính quyền nhân dân huyện Hoa Lư, luôn đoàn kết, cần cù, năng động sáng tạo dưới ánh sáng đường lối của Đảng, với kỳ vọng xây dựng quê hương ngày một mạnh giàu. Hoa Lư ngày nay, diện mạo cơ sở hạ tầng nông thôn nơi đây đã có nhiều khởi sắc, người dân năng động nhạy bén trong kinh tế thị trường, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay, huyện Hoa Lư đã trở thành huyện có kinh tế - xã hội phát triển khá của tỉnh, đặc biệt Hoa Lư là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Ninh Bình.

Trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, con nuôi đã chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn huyện có trên 200 mô hình trang trại, gia trại sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi tổng hợp có đầu ra sản phẩm bền vững, nhiều mô hình đang được mở rộng về quy mô như sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuối tiêu hồng, thanh long ruột đỏ, ngô ngọt, rau sạch, nấm, dưa, ớt, lúa - cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm; duy trì hơn 3000 héc ta đất trồng lúa, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác toàn huyện đạt 88 triệu đồng/ha, tăng hơn 70 triệu đồng so với năm 1992.

Về Hoa Lư hôm nay, ai cũng ngạc nhiên và tự hào trước sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, ,ộ mặt nông thôn mới khang trang, xanh, sạch, đẹp với hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng. Với sự năng động, sáng tạo trong cách làm, các công trình xây dựng được thể hiện sự đồng thuận bởi "Lòng dân, ý Đảng” với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần tích cực tạo cơ sở hạ tầng thuận tiện để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là từ giai đoạn 2010 đến nay, với sự lan tỏa sâu rộng của phong trào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi, đạt được những kết quả rất lớn và đạt chuẩn theo quy hoạch là hơn 500 km, đạt 100%. Hệ thống đường giao thông nông thôn được phủ kín và có sự kết nối liên hoàn từ hệ thống đường huyết mạch quốc gia, đường tỉnh, đường huyện xuống nông thôn, kết nối với các vùng miền, đi lại thuận tiện, phù hợp với quy hoạch chung của đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, y tế... Các trường học, bệnh viện được đầu tư tích cực theo hướng chuẩn hóa quốc gia. Toàn huyện có 11/11 trạm y tế chuẩn quốc gia, 11 khu thể thao xã thị trấn, 8 công trình nhà máy cấp nước sạch, 32/33 trường học các cấp chuẩn quốc gia, huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc và học nghề đạt gần 95%; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 80%; có 105 nhà văn hoá, khu thể thao xã, thị trấn và thôn, phố đạt chuẩn quốc gia; 90,58 % thôn xóm được công nhận danh hiệu Làng văn hóa; có 100% số xã có tổ thu gom rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Toàn huyện có 11 chợ theo tiêu chí quốc gia, tạo thuận thợi phát triển giao thương hàng hóa, dịch vụ.

Nói đến Ninh Bình là nhớ tới Cố đô Hoa Lư, trung tâm kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ thứ X với 3 triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, là vùng đất có bề dày lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân anh dũng, kiên cường, bất khuất trong kháng chiến bảo vệ tổ quốc, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thiên nhiên cũng ban tặng cho Hoa Lư nhiều danh lam thắng cảnh với những giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc nằm trong Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình như: Di tích Cố đô Hoa Lư; Danh thắng Tràng An - Tam Cốc – Bích Động; làng nghề truyền thống thêu Ninh Hải, đá mỹ nghệ Ninh Vân.

Trong mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Hoa Lư luôn tận dụng mọi điều kiện, phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có của huyện như tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ du lịch. Huyện đã tập trung phát triển TTCN, làng nghề, dịch vụ làm nòng cốt, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, thêu ren Ninh Hải; phát triển mạnh dịch vụ du lịch ở các xã có Khu du lịch Tràng An, Tam Cốc Bích Động, di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư.

Đến nay, có thể nói huyện Hoa Lư là một địa bàn trọng điểm về du lịch của tỉnh Ninh Bình, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách và giải quyết hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương. Năm 2016, doanh thu từ du lịch trên địa bàn huyện trong lĩnh vực khách sạn nhà hàng đạt hơn 220 tỷ đồng. Cộng đồng doanh nghiệp phát triển nhanh trên địa bàn huyện với 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 8000 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa dạng các lĩnh vực, chủ yếu tập trung vào xây dựng, sản xuất, chế biến đá vật liệu xây dựng, chế tác đá mỹ nghệ, may mặc, thêu ren, khách sạn, nhà hàng, vận tải, kho bãi... Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2016 trên địa bàn huyện đạt 11,06%. Cơ cấu kinh tế tăng tỷ trọng CN - Xây dựng và dịch vụ chiếm 95,36%. Giá trị sản xuất CN-TTCN đạt hơn 6.800 tỷ đồng, tăng 10,2 % so với năm 2015, thu ngân sách đạt trên 357 tỷ đồng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều còn 4,75%. Số lao động có việc làm thường xuyên đạt 93%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,9 triệu đồng, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2011.

Mỗi người dân huyện Hoa Lư và tỉnh Ninh Bình tự hào về những đổi thay của tỉnh nhà sau 25 năm tái lập. Sau những chuỗi ngày miệt mài, không biết mệt mỏi để xây dựng và kiến thiết, tỉnh Ninh Bình đã thực sự mở rộng về tầm nhìn và phát triển vượt bậc, trong đó có huyện Hoa Lư. Có thể nói 25 năm qua, trong mỗi bước tiến của tỉnh Ninh Bình đều có sự đóng góp chung sức đồng lòng của các huyện, thành phố trong tỉnh trong đó có huyện Hoa Lư anh hùng. Đặc biệt cuối năm 2016, huyện Hoa Lư tự hào được chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Đây là thành tựu rực rỡ nhất, có ý nghĩa to lớn đánh dấu sự phát triển của huyện Hoa Lư nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung trong công cuộc CNH - HĐH, sau 25 năm tỉnh Ninh Bình tái lập, là động lực để huyện nông thôn mới Hoa Lư phát triển hơn nữa, đóng góp cùng với sự phát triển đi lên của tỉnh Ninh Bình./.

Xuân Kiên- Đài Truyền thanh Huyện 

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

670502

Trực tuyến : 14

Hôm nay : 675

Hôm qua : 945