Tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực
trong tháng 01 năm 2020
1. Từ 01/01/2020, chính thức cấm ép người khác uống rượu, bia
Đây là nội dung nổi bật tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2020 các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm:
- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia;
- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia;
- Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
- Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc;...
2. Phạm nhân đồng tính, chuyển giới được giam giữ riêng
Đây là điểm mới tại Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, những phạm nhân dưới đây sẽ được bố trí giam giữ riêng:
- Phạm nhân nữ;
- Phạm nhân là người dưới 18 tuổi;
- Phạm nhân là người nước ngoài;
- Phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
- Phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án;
- Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam;
- Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;
- Phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.
Như vậy, thay vì chỉ có 06 đối tượng được bố trí giam giữ riêng như theo quy định của Luật hiện hành thì nay, Luật Thi hành án hình sự 2019 đã bổ sung thêm 02 đối tượng nữa, đó là:
- Người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính;
- Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam.
3. Cấm đánh đập, hành hạ vật nuôi từ 01/01/2020
Đây là một trong những nội dung mới tại Luật Chăn nuôi 2018, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020. Theo đó, đã quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi như sau:
- Không đánh đập, hành hạ vật nuôi;
- Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi;
- Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; …
Đồng thời, Luật cũng quy định khi giết mổ vật nuôi phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; phải có biện pháp gây ngất trước khi giết mổ; không để chúng chứng kiến cảnh đồng loại bị giết mổ.
4. Ba dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư
Theo Luật Đầu tư công năm 2019, có hiệu lực từ 01/01/2020 thì 03 dự án sau đây không phải quyết định chủ trương đầu tư:
- Dự án đầu tư công khẩn cấp (Là dự án đầu tư công nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền);
- Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia;
- Dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, 02 nhiệm vụ không phải quyết định chủ trương đầu tư, đó là:
- Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;
- Nhiệm vụ quy hoạch.
5. Được gia hạn Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam
Đây là quy định mới tại Luật trồng trọt năm 2018, có hiệu lực ngày 01/01/2020. Theo đó, Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được gia hạn khi hết thời gian lưu hành (thay vì phải làm thủ tục công nhận lại theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017) khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có yêu cầu của tổ chức, cá nhân có phân bón đã được công nhận lưu hành;
- Đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;
- Báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng phân bón theo quy định.
6. Thêm nhiều loại vũ khí được xem là vũ khí quân dụng
Đây là điểm mới nổi bật được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019, có hiệu lực 10/01/2020. Theo đó, ngoài các loại vũ khí quân dụng như quy định hiện hành, thì nhiều loại vũ khí khác cũng sẽ được xem là vũ khí quân dụng nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp;
- Có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự vũ khí được chế tạo, sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp;
- Không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo Luật định để thi hành công vụ.
7. Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2020
Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Theo tinh thần của Nghị định này, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ được điều chỉnh tăng, cụ thể:
Vùng I: Tăng từ 4,18 triệu đồng/tháng lên 4,42 triệu đồng/tháng;
Vùng II: Tăng từ 3,71 triệu đồng/tháng lên 3,92 triệu đồng/tháng;
Vùng III: Tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,43 triệu đồng/tháng;
Vùng IV: Tăng từ 2,92 triệu đồng/tháng lên 3,07 triệu đồng/tháng.
Khi mức lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đang có mức lương dưới mức lương tối thiểu vùng; những người làm công việc đã qua đào tạo, học nghề có mức lương dưới 7% mức lương tối thiểu vùng sẽ được tăng lương.
Về phía doanh nghiệp, ngoài việc điều chỉnh lương cho các trường hợp người lao động nêu trên, doanh nghiệp còn phải điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo đúng quy định.
8. Nhiều vi phạm về đất đai bị phạt đến 1 tỷ đồng
Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 05/01/2020. Nghị định này tăng hàng loạt mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, cụ thể:
- Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 01 tỷ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây);
- Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 01 tỷ đồng với tổ chức nếu tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang đất ở (tăng 10 mức phạt so với trước đây)
- Phạt đến 20 triệu đồng với cá nhân và 40 triệu đồng với tổ chức nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có Sổ đỏ (tăng 04 lần mức phạt so với trước đây)
- Phạt đến 05 triệu đồng với cá nhân và 10 triệu đồng với tổ chức nếu không sang tên Sổ đỏ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tăng 02 lần mức phạt so với trước đây)
- Phạt đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức nếu bỏ hoang đất mà không thuộc trường hợp bất khả kháng (Mức phạt này trước đây chưa hề được quy định).
9. Cấm công ty tài chính gọi điện đòi nợ người thân khách hàng
Thông tư 18/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN năm 2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Thông tư 18/2019/TT-NHNN siết chặt hơn các quy định đối với công ty tài chính trong việc thúc giục đòi nợ khách hàng. Theo đó, ngoài việc yêu cầu các công ty này không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 21 giờ như trước đây, thì Thông tư này còn bổ sung một số yêu cầu mới, gồm:
- Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ như người thân của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Chỉ được nhắc nợ đối với khách hàng tối đa 05 lần/ngày;
- Trong hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có thỏa thuận về hình thức nhắc nợ và thời gian nhắc nợ;
- Phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
10. Thêm trường hợp văn bằng, chứng chỉ bị hủy bỏ
Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế quản lý, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực từ ngày 15/01/2020. Theo đó, Thông tư này bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ, là do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ. Ngoài ra, còn có các trường hợp khác đã được quy định trước đây như:
- Người được cấp văn bằng gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án để được cấp văn bằng, chứng chỉ;
- Văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa…
11. Xe máy mới được dán nhãn năng lượng từ năm 2020
Thông tư 59/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu có hiệu lực từ 01/01/2020. Trong đó yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu in nhãn năng lượng theo mẫu và thực hiện dán trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Nhãn nãy được duy trì trên xe tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng. Đáng chú ý, trước khi dán nhãn năng lượng, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu. Thông tin công khai phải được duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe đó ra thị trường./.
Phòng Tư Pháp