60 năm tưởng như đã quá xa song đối với người CCB Hoàng Văn Trắc (thôn Thanh Hạ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư) những ký ức về trận đánh Điện Biên Phủ vẫn luôn nóng hổi trong trí nhớ của ông. Để mỗi khi nhớ về, lòng ông lại thổn thức, trào dâng một niềm tự hào xen lẫn xót xa…
Chúng tôi đến thăm gia đình CCB Hoàng Văn Trắc vào một ngày cuối tháng 4. Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa ấy nằm sát chân núi, thuộc thôn Thanh Hạ, xã Ninh Hòa. Ông đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu, cởi mở.
Vợ chồng CCB Hoàng Văn Trắc
CCB Hoàng Văn Trắc năm nay đã 83 tuổi nhưng giọng nói ông vẫn sang sảng khi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt. Cuộc hành quân lên Điện Biên tiếp sức cho đồng đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hồi tháng 5 năm 1954 là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông. Đó cũng chính là trận đánh đầu tiên ông được tham gia trong đời lính của mình.
Ngày 18/1/1954, thanh niên Hoàng Văn Trắc lên đường nhập ngũ, khi ấy ông 22 tuổi. Sau khi được huấn luyện cấp tốc 3 tháng tại Thanh Hóa, ông được điều động về Đại đội 2, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Ngay sau đó, đơn vị ông nhận lệnh hành quân lên chiến trường Điện Biên để tiếp sức cho đơn vị đang chiến đấu. Ông chia sẻ: “Trong trận đánh cam go, quyết định này, chúng tôi vô cùng căng thẳng nhưng cũng vô cùng hào hứng. Ai cũng mong muốn được vào khu vực bên trong của trận đánh để chiến đấu với quân thù. Mặc dù lúc ấy ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh, nhưng khi đã đặt chân lên chiến trường chúng tôi chỉ nghĩ đến việc hoàn thành nhiệm vụ”.
Đến bây giờ, ông vẫn không quên những đêm ngủ rừng, lót lá làm chiếu. Dù thiếu thốn đủ thứ nhưng bộ đội, dân công vẫn hăng hái hành quân đi làm nhiệm vụ. Họ không quản ngại khó khăn, gian khổ, gùi trên lưng nào gạo, nào súng đạn, băng qua những khu rừng, sông suối, đèo dốc để đến nơi trận địa.
Đơn vị ông đã tham gia chiến đấu trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếng pháo nổ vang trời, mùi thuốc súng, hình ảnh những đồng đội hy sinh, máu thấm đẫm vào đất đã in hằn trong tâm trí ông. Nó làm trỗi dậy lòng căm thù để mỗi chiến sỹ còn sống thêm kiên cường chiến đấu.
CCB Hoàng Văn Trắc cho biết: Với khẩu hiệu “hết mình cho tiền tuyến, hết mình để chiến dịch thắng lợi”, quân ta đã làm cho địch suy yếu, rệu rã và cuối cùng phải đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ giành toàn thắng. Hỏi về cảm xúc trong giây phút chiến thắng ấy, CCB Hoàng Văn Trắc mắt rưng rưng, giọng nói run run xúc động: “Đó là niềm vui không thể diễn tả bằng lời”.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, năm 1965, ông Hoàng Văn Trắc lại lên đường vào chiến trường Tây Nguyên, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Ông đã tham gia nhiều trận đánh tại Pôn Hồ, Pôn Đôn, tham gia chiến đấu trận tết Mậu Thân - 1968 tại thị xã Buôn Mê Thuật. Chính trong trận đánh Mậu Thân này, ông bị thương và được chuyển về bệnh xá tiền phương của ta được đặt nhờ bên đất Campuchia để điều trị. Sau khi vết thương lành, ông được chuyển ra Bắc an dưỡng tại huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây cũ.
Từ khi đất nước hòa bình đến nay, ông Hoàng Văn Trắc đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia công tác tại địa phương. Ông luôn gương mẫu, nuôi dạy, động viên con cháu phấn đấu học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Chia tay ông Hoàng Văn Trắc, chúng tôi không thể quên hình ảnh người CCB đôn hậu cùng những Huân, huy chương kháng chiến được ông treo trang trọng trên những bức vách nhà đã cũ. Theo thời gian, con người có thể mất đi, những dòng chữ ghi nhận chiến công của người chiến sỹ cũng sẽ phai mờ. Nhưng, sự hy sinh, công lao to lớn của họ vì độc lập dân tộc sẽ không bao giờ mờ phai trong lòng những người còn sống và mãi mãi thế hệ về sau.
Tin, ảnh: Lâm Giang