|
Thi công nâng cấp đường giao thông nông thôn ở xã Ninh Vân (Hoa Lư). Ảnh: Đức Lam |
Huyện Hoa Lư đã xác định nguồn lực để xây dựng NTM không chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, mà cần phải huy động được sức mạnh tổng hợp, phát huy quyền làm chủ của người dân để tạo ra nhiều nguồn lực hoàn thiện các công trình theo các tiêu chí xây dựng NTM.
Đi qua con đường trục nối giữa thôn Đông Hội và thôn Đông Thịnh (xã Ninh An), nhìn con đường với bề rộng 8 m, dài 1,5 km, rất thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa… nếu là người ở xa về thì không thể biết được, chỉ ít tháng trước đây, con đường này vừa nhỏ, vừa hẹp, ai qua cũng phải ngán ngẩm. Sự đổi thay của con đường này, có lẽ những hộ dân ở hai bên đường là nắm rõ hơn cả.
Ngay từ đầu năm 2012, khi xã có chủ trương nâng cấp, mở rộng tuyến đường này đạt các tiêu chí theo chương trình xây dựng NTM, người dân đã bàn tán xôn xao về việc làm như nào để con đường được mở rộng, to đẹp hơn. Theo chủ trương của xã, các hộ gia đình sinh sống dọc hai bên tuyến đường, gia đình có ít, có nhiều nhưng đều tập trung lại là 13 hộ bị ảnh hưởng và phải bàn giao một phần đất thổ cư, công trình phụ, tường bao… thì con đường mới có điều kiện để mở rộng.
Ngay sau khi đưa ra họp dân, lấy ý kiến của các hộ liên quan, 100% hộ đều đồng tình ủng hộ cao chủ trương của xã và bắt tay vào thực hiện ngay việc bàn giao mặt bằng. Gần 1.000 m2 đất với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng đã được 13 hộ tình nguyện hiến đất. Những hộ không bị ảnh hưởng bởi diện tích đất thì tích cực tham gia chặt phá cây cối, dọn dẹp… để công trình đường trục sớm được khởi công. Từ thành công bước đầu của việc mở rộng tuyến đường này đã trở thành tiền đề để cấp ủy, chính quyền địa phương huy động được sự đóng góp tích cực, hiệu quả của người dân trong việc đầu tư xây dựng các công trình để hướng tới mục tiêu xây dựng NTM.
Nhiều hộ gia đình trong xã đã tình nguyện hiến đất, chặt cây, phá dỡ các công trình phụ, tường bao… tham gia góp ngày công, sức lao động để hoàn thành các công trình trên địa bàn. Bên cạnh đó, người dân trong xã đã đóng góp trên kinh phí để xây dựng nhà máy nước sạch, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, mua máy làm đất đa năng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Cho đến thời điểm này, các xã trong huyện Hoa Lư, dù là xã làm trước trong xây dựng NTM hay xã triển khai trong giai đoạn sau đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt được các thông tin, cùng tích cực tham gia bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Tại các thôn, xóm đã diễn ra các cuộc họp hết sức sôi nổi nhằm bàn bạc, thảo luận dân chủ, phát huy quyền làm chủ của dân trong việc huy động và tập trung các nguồn lực để xây dựng các công trình đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống nước sạch, nhà văn hóa… Cùng với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các xã đã vận động được người dân đóng góp ngày công, sức lao động, tình nguyện hiến đất mở đường.
Toàn huyện đã có hàng chục hộ gia đình tham gia hiến đất thổ cư, phá dỡ tường bao, công trình phụ để mở rộng đường giao thông. Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn lực là kết quả của phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh ở các xã dần được hình thành. Đến nay, có 11 nhà văn hóa thôn, xóm, mỗi nhà văn hóa trị giá khoảng 300 triệu đồng được xây dựng với kinh phí chủ yếu do nhân dân đóng góp. Khoảng trên 23 tỷ đồng đầu tư xây dựng 3,2 km đường trục xã, 5,4 km đường thôn, xóm, 5 km đường nội đồng, kiên cố hóa 7 km kênh mương….
Qua hai năm triển khai xây dựng NTM, Hoa Lư đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp 38 tuyến đường giao thông liên xã và đường thôn, xóm. Ngoài ra, các công trình lớn như: chợ, trường mầm non, nghĩa trang, trụ sở hợp tác xã, nhà máy nước… cũng đã nhận được sự ủng hộ và chung tay của nhiều người dân để sớm hoàn thành đúng tiến độ.
Bùi Diệu
baoninhbinh.org.vn