Để khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện đã thực hiện tốt các cơ chế, chính sách: Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mua máy làm đất, máy gặt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ một phần giống, vật tư như: lúa chất lượng cao, giống cây vụ đông, giống bò, dê… để khuyến khích nông dân sản xuất Vì vậy diện tích, năng suất và sản lượng trong sản xuất nông nghiệp đều tăng: Năm 2012, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 39,2 nghìn tấn, tăng gần 1,12 nghìn tấn so với năm 2008, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 88,2 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2008. Năm 2013, ước sản lượng lương thực đạt trên 38,2 nghìn tấn (giảm do thu hồi đất), giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 88,5 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, diện tích lúa chất lượng cao của huyện tăng nhanh, năm 2012 đạt 2.500 ha, tăng 1.200 ha so với năm 2011; sản lượng năm 2012 đạt gần 14 nghìn tấn, tăng hơn 2 lần so với kế hoạch. Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn được duy trì ổn định; nuôi trồng thủy sản phát triển tốt, sản lượng vượt kế hoạch đề ra; đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản mới đạt hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình lúa-cá; mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm chất lượng cao tại xã Ninh Giang và một số xã khác.
Cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình và các Nhà máy xi măng Duyên Hà, xi măng Hệ Dưỡng đầu tư xây dựng và phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển tiểu thủ công nghiệp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân với trên 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên 500 hộ cá thể và tổ hợp tác sản xuất, tạo việc làm và thu nhập khá cho gần 3.000 lao động; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm thêu ren tại xã Ninh Hải gắn với du lịch và xuất khẩu tại chỗ.
Với thế mạnh là có các khu du lịch lớn của tỉnh như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động và Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, nên hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ của huyện Hoa Lư liên tục phát triển mạnh. Doanh thu thương mại, du lịch, dịch vụ năm 2012 đạt gần 1.448 tỷ đồng, tăng trên 27% so với cùng kỳ năm 2011. Do đó, kinh tế nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ.
Đời sống vật chất của người dân được quan tâm và nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 30 triệu đồng/người/năm, tăng 14,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 9,66% năm 2008 (theo tiêu chí cũ) xuống còn 7,22% (theo tiêu chí mới), riêng xã Ninh Vân chỉ còn 4,32%.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, việc đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm, hệ thống đường giao thông ở các xã, thị trấn được cứng hóa; 100% xã có hệ thống lưới điện quốc gia; các công trình thủy lợi, đê điều được quan tâm đầu tư nâng cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng, chống lụt bão.
Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng nông nghiệp và nông thôn của huyện Hoa Lư phát triển còn thiếu quy hoạch, mối liên kết “4 nhà” chưa chặt chẽ, các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mạnh sản xuất hàng hóa. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi và cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa còn hạn chế. Công tác xây dựng nông thôn mới sớm được quan tâm triển khai nhưng các cấp, các ngành còn lúng túng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là về biện pháp thực hiện cụ thể nên tiến độ ở một số xã còn chậm so với yêu cầu.
Do đó, để thực hiện tốt Nghị quyết “Tam nông” trong thời gian tới, huyện Hoa Lư chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp đã đề ra. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2015 với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã; đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn Ban chỉ đạo, Ban quản lý các xã tổ chức thực hiện tốt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã theo các nội dung đã được phê duyệt, đảm bảo phù hợp với nguồn lực, nguyện vọng và nhu cầu của người dân ở cơ sở.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, công khai cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện đến từng xã. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, nâng cao thu nhập trên 1 đơn vị diện tích, phấn đấu đến năm 2015 mỗi xã có ít nhất một cánh đồng mẫu lớn sản xuất chuyên canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Chú trọng xây dựng thương hiệu, chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm gắn với địa danh sản xuất nhằm tăng năng lực cạnh tranh và giá trị hàng hóa đặc trưng của địa phương: Đá mỹ nghệ Ninh Vân, thêu ren Ninh Hải, lúa thơm Hoa Lư, dê núi, cá rô Tổng Trường, cá Trầu tiến vua… Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.
Tranh thủ tối đa sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, khuyến khích, huy động các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, con em xa quê hương, huy động nội lực và vận động toàn thể nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Hồng Giang
baoninhbinh.org.vn