Ninh Bình là mảnh đất huyền thoại, nơi phát tích Đế nghiệp của người Việt Nam. Cố đô Hoa Lư đã đi vào sử sách là niềm tự hào của người Ninh Bình và nhân dân đất Việt. Các đây 1050 năm người con ưu tú của Ninh Bình, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất giang sơn lên ngôi Hoàng đế, đặt nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu Thái Bình, sáng lập vương triều Đinh, lập nên nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam. Sự ra đời của nước Đại Cồ Việt mở ra kỷ nguyên mới cho thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc, thời kỳ độc lập tự chủ hơn 1000 năm Bắc Thuộc. Kế tục sự nghiệp của triều đại nhà Đinh, Vua Lê Đại Hành và triều đại nhà Lê đã cùng quân dân cả nước phá Tống, bình Chiêm, xây dựng nước Đại Cồ Việt thành quốc gia hưng thịnh.
Theo sử sách ghi lại, Lễ hội Trường Yên được hình thành sau khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, được các Vương triều phong kiến Việt Nam coi là một lễ trọng, một Quốc lễ. Hàng năm, đến ngày diễn ra lễ hội, các triều đình đều cử các quan đại thần về Cố đô Hoa Lư tham dự và làm chủ tế. Để có được một hình thức và quy mô lễ hội như ngày nay, đó là quá trình hòa quyện những sự kiện lịch sử, truyền thuyết dân gian giữa truyền thống và hiện đại. Lễ hội đã trở thành một nhu cầu chính đáng của nhân dân, là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của địa phương và cộng hưởng giá trị lịch sử quan trọng về ý thức quốc gia, dân tộc cần được khơi dậy và phát huy trong thời đại ngày nay. Lễ hội Trường Yên, Cố đô Hoa Lư đã trở thành một bộ phận quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Cuối năm 2014, Lễ hội Trường Yên được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đổi tên "lễ hội Hoa Lư"; tháng 12/2015, cột Kinh Phật chùa Nhất Trụ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Tất cả các giá trị đó góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Trường Yên, Hoa Lư trong nền văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, năm 2018 là năm diễn ra các hoạt động kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc càng khẳng định vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Lễ hội Hoa Lư và vùng đất nghìn năm văn hiến. Thời gian tổ chức Lễ Kỷ niệm và Lễ hội dự kiến vào 20h, thứ 3, ngày 24/4/2018, tức ngày 9/3 âm lịch, tại sân Lễ hội, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên. Việc tổ chức Lễ Kỷ niệm và Lễ hội đảm bảo trang trọng, tiết kiệm và có tính giáo dục cao, xứng đáng với vai trò, vị thế của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc, với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trưng bày triển lãm, thi đấu thể thao và các hoạt động thương mại du lịch…. phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả, ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng của vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình.