Thứ năm, 21/11/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Lịch sử ra đời và tồn tại của Lễ hội Hoa Lư

Thứ năm, 04/05/2017 | Đã xem: 1622 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 Lễ hội Hoa Lư diễn ra trên địa bàn trung tâm Cố đô Hoa Lư

thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đó là nơi tọa lạc của hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, cùng các nhân vật lịch sử có liên quan đến hai triều đại Đinh - Tiền Lê.

           Vua Đinh Tiên Hoàng (924 - 979) ở ngôi Hoàng đế từ năm 968 đến năm 979, người anh hùng lập nên Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam.

           Tên húy của vua là Đinh Bộ Lĩnh, sinh ra tại thôn Vân Bòng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ngay từ khi còn nhỏ, Bộ Lĩnh đã thể hiện trí dũng hơn người, hàng ngày cùng các bạn chăn trâu trong vùng lấy trâu làm ngựa, lấy bông lau làm cờ để tập trận giả, khi lớn lên phát huy tài năng quân sự, dấy binh dẹp loạn lập nhiều chiến công. Sau khi dẹp loạn cát cứ 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình và đóng đô ở Hoa Lư.

           Vua Lê Đại Hành (941 - 1005), sinh ra tại thôn Trung lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, từ một vị Thập đạo tướng quân của vương triều Đinh, góp sức dẹp loạn 12 sứ quân, giữ yên bờ cõi, sau lên ngôi Hoàng đế, kế tục xuất sắc sự nghiệp của nhà Đinh, vua Lê đã kháng Tống bình Chiêm thành công vào năm  981 - 982, có công phát triển đất nước về kinh tế, quân sự và văn hóa với những trang sử hào hùng.

           Khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ trên nền móng cũ của cung điện để tưởng nhớ công đức của hai vua: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Ngôi đền quay hướng Bắc. Nhưng theo thời gian ngôi đền đó không còn nữa, đến năm 1600 Lễ quận công Bùi Thời Trung đã xây dựng lại hai ngôi đền như cũ, nhưng quay theo hướng đông. Đến năm 1676, nhân dân Trường Yên trùng tu hai ngôi đền lớn hơn. Đến năm 1898, cụ Dương Đức Vĩnh đã cùng với nhân dân Trường Yên sửa đền vua Đinh, làm ngưỡng cửa đá và nâng cao đền bằng tảng đá cổ bồng như ngày nay.

           Đồng thời, cộng đồng dân cư xã Trường Yên đã tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao to lớn của vua Đinh, vua Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Lễ hội được tổ chức hàng năm và trở thành Lễ hội truyền thống của cộng đồng dân cư xã Trường Yên. Theo Từ điển lễ tục Việt Nam các vua Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn đều lấy ngày 16 tháng 8 âm lịch - ngày kỵ của vua Đinh làm ngày lễ. Đến thời Khải Định (1916 - 1925) lấy ngày vua Đinh đăng quang ngôi Hoàng đế ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày lễ. Trong cuốn “Cửu khúc” phần Hán văn, lễ hội được tổ chức vào tháng 10 âm lịch. Theo bia đá thời Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) ở đền Đinh có ghi: “Tế quan Trần Chương vâng mệnh triều đình về đền Đinh làm lễ tế vào tháng Bồ”, tức là tháng 5 âm lịch. Trong cuốn “Lễ hội Trường Yên”, sách được viết bằng tiếng Pháp, năm 1940 lễ hội được tổ chức vào ngày rằm tháng 2 âm lịch, vì coi đó là ngày sinh của vua Đinh.

           Lễ hội truyền thống Hoa Lư từ năm 1940 trở về trước chỉ tổ chức trong một ngày và lấy các ngày có liên quan đến vua Đinh Tiên Hoàng để tổ chức, các nội dung tổ chức lễ hội cũng chỉ nhắc đến các sự kiện có liên quan đến vua Đinh như: múa cờ lau tập trận (tái hiện lại thuở thơ ấu khi vua Đinh còn là mục đồng, nhưng đã thể hiện vị thế của một quân vương), kéo chữ Thái Bình (niên hiệu của nhà nước Đại Cồ Việt do vua Đinh sáng lập nên), ca cửu khúc (xuất phát từ việc vua Đinh rất thích xem hát), … còn vua Lê không được nhắc tới. Bởi quan niệm dưới thời phong kiến vua Lê chỉ là tòng tự, nghĩa là tế lễ theo mà thôi. Hiện nay, lễ hội được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 8 tháng 3 âm lịch đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Với lý do, theo “Đại Nam nhất thống chí”, dưới thời vua Minh Mạng năm thứ 4 (1823), vai trò quan trọng của vua Lê Đại Hành trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được ghi nhận và được liệt vào miếu Lịch đại đế vương - miếu thờ chung các vua ở các triều đại kinh thành (Huế), còn ở Trường Yên thì cấp sắc phong cho dân làng phụng thờ; đồng thời, ngày kỵ của vua Lê cũng vào tháng 3 âm lịch năm Ất Tỵ (1005), trùng với tháng vua Đinh đăng quang ngôi Hoàng đế vào năm Mậu Thìn (968), nhưng trước hai ngày, tức là vào ngày 8 tháng 3 âm lịch.

Nhằm ghi nhớ công lao của các bậc Tiên liệt, Lễ hội Trường Yên được hình thành sau khi đức Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Hơn 1000 năm qua, kinh thành Hoa Lư không còn nhưng những tường thành, đền đài, chùa chiền, những nét văn hóa vẫn được nhân dân giữ gìn và lưu truyền. Đây là những giá trị văn hóa lịch sử quý báu cần được gìn giữ và phát huy.

Với những giá trị tiêu biểu và trường tồn ấy, Cố đô Hoa Lư đã được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt. Lễ hội Trường Yên cùng cố đô Hoa Lư trở thành một bộ phận quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO cộng nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Năm 2014, Lễ hội Trường Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngày 21/11/2016, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Quyết định số 4037/QĐ-BVHTTDL về việc điều chỉnh tên gọi di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Trường Yên” trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.Theo đó, điều chỉnh tên gọi “Lễ hội Trường Yên” (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) thành “Lễ hội Hoa Lư”.

Đào Sỹ Hải Sơn -UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo HU

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

934926

Trực tuyến : 17

Hôm nay : 379

Hôm qua : 719

W88vnz - https://139.99.113.80/ KUBET 131.31 - https://51.79.131.31/