Chủ nhật, 22/12/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực trong tháng 11 năm 2020

Thứ tư, 25/11/2020 | Đã xem: 370 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng

có hiệu lực trong tháng 11 năm 2020

1. Từ 01/11, nhiều trẻ mẫu giáo được hỗ trợ tiền ăn trưa 160.000 đồng/trẻ/tháng

 Ngày 08/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non,  có hiệu lực từ 01/11/2020. Theo đó, Chính phủ chủ trương tăng cường nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất theo các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp giáo dục mầm non, bảo đảm yêu cầu đến năm 2025 đạt 01 phòng/nhóm, lớp. Đặc biệt, hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn tính trên số lượng trẻ em được ăn bán trú, tối thiểu bằng 2,4 triệu đồng/01 tháng/45 trẻ em, số dư từ 20 trẻ em trở lên được tính thêm 01 lần mức hỗ trợ. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non được hưởng không quá 05 lần mức hỗ trợ nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/năm học.

Bên cạnh đó, trẻ em có cha, mẹ hoặc có người chăm sóc, nuôi dưỡng thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn; là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng; trẻ em là con liệt sĩ, con bệnh binh;… được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Ngoài ra, trẻ em có cha, mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập cũng được hỗ trợ tiền ăn trưa tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng…

2. Từ 01/11, tặng Huân chương Lao động cho học sinh, sinh viên đạt giải quốc tế

Ngày 15/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2020/NĐ-CP quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020. Theo quy định mới, học sinh, sinh viên, học viên được tặng Huân chương Lao động hạng nhất nếu hai lần liên tục đoạt Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học hoặc hai lần liên tục đoạt giải nhất trong kỳ thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế hoặc đoạt Huy chương Vàng trong kỳ thi kỹ năng nghề thế giới.

Trường hợp đoạt Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic quốc tế hoặc giải nhất trong kỳ thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế; Huy chương Bạc trong kỳ thi kỹ năng nghề thế giới… được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì.
Với học sinh, sinh viên, học viên đoạt Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic quốc tế; Huy chương Đồng trong kỳ thi kỹ năng nghề thế giới… được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Ngoài được tặng thưởng Huân chương Lao động, các đối tượng nêu trên còn được tặng thưởng tiền. Mức thưởng cao nhất lên tới 55 triệu đồng với Huy chương Vàng hoặc giải nhất, Huy chương Bạc là 35 triệu, Huy chương Đồng là 25 triệu; khuyến khích 10 triệu. Trước đây, mức thưởng cao nhất là 10 triệu đồng.

3. Che giấu mình hoặc người khác nhiễm COVID -19, bị phạt đến 20 triệu đồng

 Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2020. Theo đó, cá nhân đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm theo nội dung do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp thì bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng và buộc phải cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, cá nhân che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A cũng bị phạt đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, một số hành vi sau đây cũng bị phạt tiền theo quy định, đó là: Đe dọa truyền HIV cho người khác bị phạt đến 20 triệu đồng; Trưng bày quá một bao hoặc một túi hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá bị phạt đến 05 triệu đồng; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia hoặc sử dụng thuốc lá bị phạt đến 500.000 đồng;…

4. Sau 02 năm không làm đúng ngành, cử nhân sư phạm phải hoàn trả học phí

 Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Tuy nhiên, sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt nếu không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp hoặc sinh viên tự chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học …

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sinh viên hoặc gia đình phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan thu hồi kinh phí để làm thủ tục bồi hoàn. Thời gian phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2020

5. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu có sai phạm trong phê duyệt vị trí việc làm

Ngày 10/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu bảo đảm cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung chiếm tỷ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên lập kế hoạch số lượng người làm việc hàng năm; tổ chức thẩm định và trình người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định phê duyệt. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập có Hội đồng quản lý thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải trình Hội đồng quản lý thông qua trước khi quyết định phê duyệt số lượng người làm việc của đơn vị. Đặc biệt, Chính phủ nêu rõ, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, Hội đồng quản lý (đối với đơn vị sự nghiệp công lập có Hội đồng quản lý) và Hội đồng trường (đối với trường đại học công lập) thực hiện không đúng quy định tại Nghị định này thì bị xem xét đánh giá, xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ hàng năm và xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật.

6. Quy định mới về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh

Ngày 14/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có hiệu lực từ 25/11/2020. Cụ thể, bổ sung tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở. Theo đó, khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 07 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của TP. Hà Nội và TP. HCM; tối thiểu 06 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 05 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định, được thành lập chi cục và các tổ chức tương đương thuộc sở nếu khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức; được thành lập phòng và tương đương thuộc chi cục thuộc sở nếu khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 05 biên chế công chức.

7. Giảm 01 Phó trưởng phòng cơ quan chuyên môn của UBND huyện

Ngày 14/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2020. Theo đó, mỗi phòng chuyên môn có bình quân 02 Phó trưởng phòng thay vì tối đa 03 người như quy định cũ. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.
Ngoài ra, bổ sung quy định về số lượng cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân đối với huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang là tối đa 12 phòng. Số lượng cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện đảo không quá 10 phòng.

Bên cạnh đó, phòng Dân tộc tại Ủy ban nhân dân cấp huyện được thành lập nếu đáp ứng các tiêu chí sau: Có tối thiểu 5000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.

 8. Từ 01/11, học sinh không được lưu ban quá 03 lần trong một cấp học

Ngày 15/09/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học,có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2020. Theo đó, tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi, tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi. Đối với những học sinh được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi theo quy định thì tuổi vào lớp 6 và lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước. Đồng thời, học sinh không được lưu ban quá 03 lần trong một cấp học, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Bên cạnh đó, giáo viên không được làm những điều sau: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xúc phạm thân thể học sinh và đồng nghiệp; Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh, bỏ giờ, bỏ buổi học; Xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức; Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; Hút thuốc lá, rượu, bia và sử dụng chất kích thích khác khi đang dạy học. Ngoài ra, nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường trung học là 05 năm, sau mỗi năm học hiệu trưởng được viên chức, nhân viên trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định. Hiệu trưởng công tác tại một trường trung học công lập không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp./.

                                                        

                                                Phạm Thị Quỳnh - Phòng Tư pháp huyện

 

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

951019

Trực tuyến : 67

Hôm nay : 210

Hôm qua : 663

W88vnz - https://139.99.113.80/ KUBET 131.31 - https://51.79.131.31/