Tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng
có hiệu lực trong tháng 12 năm 2020
1. Từ 01/12, mạo danh nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng
Ngày 07/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số119/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020. Theo đó, tăng gấp đôi mức phạt tiền so với quy định cũ từ (05 - 10 triệu đồng) lên (10 - 20 triệu đồng) đối với một trong các hành vi sau đây:
- Mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí;
- Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân;
- Sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí.
Bên cạnh đó, tổ chức nào có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên thì có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Đặc biệt, đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt đến 60 triệu đồng.
Đồng thời, tổ chức sẽ phải chịu mức phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Đăng, phát thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;
- Đăng, phát thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc;…
2. Thành lập đơn vị sự nghiệp công lập phải có tối thiểu 15 người làm việc
Ngày 07/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020. Theo quy định, các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới phải tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Trường hợp hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ nhân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các đơn vị sự nghiệp thành lập phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, đáp ứng đủ tiêu chí thành lập theo quy định chuyên ngành, đồng thời xác định được rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, quản lý Nhà nước. Đặc biệt phải có trụ sở và đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu 15 người. Đối với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp thì số lượng người làm việc tối thiểu bao gồm viên chức và người làm chuyên môn, nghiệp vụ theo hợp đồng lao động. Đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài sẽ do Thủ tướng phê duyệt trong Đề án thành lập.
3. Cách chức người có hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục giải quyết khiếu nại
Đây là nội dung mới được Chính phủ thông qua tại Nghị định 124/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại ngày 19/10/2020. Theo đó, chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm áp dụng các biện pháp để thực hiện hoặc có văn bản chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
Đáng chú ý, Chính phủ cũng quy định các hình thức kỷ luật áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, bao gồm:
- Trước hết, áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với người có hành vi bao che cho người bị khiếu nại; Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà; Đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.
Tiếp theo, áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với người cố ý không thụ lý giải quyết khiếu nại đối với vụ việc khiếu nại đủ điều kiện thụ lý thuộc thẩm quyền; Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; Cố ý không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Đặc biệt, người nào vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; Cố ý ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người thì sẽ bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2020.
4. Phạt đến 20 triệu đồng nếu chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử quá thời hạn
Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2020. Cụ thể, phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng đối với hành vi chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá thời hạn từ 01 đến 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định. Nếu chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn từ 11 ngày làm việc hoặc không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế theo thời hạn quy định sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Ngoài ra, phạt tiền 01 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;
- Sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;...
Bên cạnh đó, đối với các hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế hoặc không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế sẽ bị phạt tiền từ 05 - 07 triệu đồng.
5. 04 lưu ý trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh
Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 05/12/2020. Theo đó, người nộp thuế cần chú ý những quyền và nghĩa vụ sau trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:
- Trước hết, người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
- Tiếp theo, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định.
Cần lưu ý, người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế. Ngoài ra, Chính phủ cũng hướng dẫn nhiều nội dung quan trọng khác liên quan đến khai thuế, tính thuế; Hoàn thuế; Khoanh tiền thuế nợ; Xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế;… trong Nghị định này.
6. Phạt đến 60 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển phế liệu vào Việt Nam
Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, có hiệu lực từ ngày 10/12/2020. Cụ thể, phạt từ 40 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Bốc dỡ hàng hóa không đúng cảng đích ghi trong bản lược khai hàng hóa, vận tải đơn;
- Tẩu tán, tiêu hủy hoặc vứt bỏ hàng hóa để trốn tránh sự kiểm tra, giám sát, kiểm sát hải quan;
- Vận chuyển phế liệu vào Việt Nam cho người nhận hàng trên Bản lược khai hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;…
Ngoài ra, đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu mà không có văn bản chỉ định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, phạt 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hành vi không khai bổ sung về trị giá hải quan theo quy định mà bị phát hiện khi kiểm tra, thanh tra đối với trường hợp hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các điều khoản điều chỉnh cộng vào giá trị hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan;…
7. Người có chức quyền che dấu tài sản, thu nhập có thể bị buộc thôi việc
Ngày 30/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, có hiệu lực từ ngày 20/12/2020. Cụ thể, người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
Chính phủ cũng quy định, Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức… Bản kê khai phải được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai.
8. Chính phủ dành nhiều ưu đãi cho người có tài năng trong hoạt động công vụ
Ngày 27/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, có hiệu lực từ ngày 01/12/2020. Theo đó, Chính phủ quy định cụ thể những chính sách ưu đãi áp dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, như là:
Trước hết, được cử tham gia các khóa đào tạo tập trung trong nước, quốc tế đối với các chương trình phù hợp với ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển.
Tiếp theo, được đầu tư trang, thiết bị, phương tiện làm việc để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trường hợp cần thiết được đầu tư nguồn lực và các trang thiết bị đặc biệt để thực hiện các đề tài đã được cấp có thẩm quyền đánh giá là khả thi.
Đáng chú ý, được đặc cách nâng lương trước thời hạn hoặc đặc cách xét nâng ngạch công chức nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hoạt động công vụ hoặc được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 03 năm liên tiếp kể từ ngày có quyết định tuyển dụng…
9. Không được trả thù, trù dập người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động
Đây là nội dung mới được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động ngày 15/10/2020. Cụ thể, người sử dụng người lao động không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người được bảo vệ; Không được trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ.
Bên cạnh đó, trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện hợp pháp khác của người lao động tại cơ sở phải có ý kiến bằng văn bản với người sử dụng lao động, đồng thời báo cáo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và công đoàn cấp trên trực tiếp hoặc tổ chức đại diện hợp pháp cấp trên trực tiếp của người lao động (nếu có) để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020.
10. Hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi dưới nước
Ngày 15/10/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BVHTTDL về việc quy định nội dung tập huấn cho người lái phương tiện và nội dung hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2020. Theo đó, nội dung hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước gồm: Các thông tin chung về hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước; Biện pháp bảo đảm an toàn khi tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước; Hướng dẫn sử dụng áo phao, các trang thiết bị cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy trên phương tiên khi tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước; Những rủi ro và cách phòng tránh khi sử dụng phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước; Chỉ dẫn cứu hộ. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tập huấn cho người lái phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước gồm: Các quy định về bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường trong vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước; Những rủi ro và cách phòng tránh khi sử dụng phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước;…
11. Ban hành quyết định kiểm tra đột xuất ngay nếu cá nhân có ý định bỏ trốn
Ngày 30/9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường. Cụ thể, trước khi ban hành quyết định kiểm tra đột xuất, người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra hoặc người được giao quyền ban hành quyết định kiểm tra phải ban hành phương án kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi tắt là phương án kiểm tra) để bảo đảm việc kiểm tra đúng pháp luật và có hiệu quả, trừ trường hợp kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra và kiểm tra đột xuất trong trường hợp khẩn cấp.
Theo đó, trường hợp khi tiếp nhận thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật và có căn cứ cho rằng nếu không tiến hành kiểm tra ngay thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bỏ trốn, tang vật, phương tiện vi phạm có thể bị tẩu tán, tiêu hủy hoặc để ngăn chặn, hạn chế kịp thời hậu quả do vi phạm pháp luật gây ra thì người có thẩm quyền phải kịp thời ban hành quyết định kiểm tra đột xuất và chịu trách nhiệm về việc ban hành quyết định kiểm tra của mình.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020.
12. Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6
Ngày 03/11/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 44/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/12/2020. Theo đó, danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6, bao gồm: Môn Ngữ Văn, môn Toán, môn Ngoại ngữ, môn Giáo dục công dân, môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên, môn Công nghệ, môn Tin học, môn Giáo dục thể chất, môn Âm nhạc và môn Hoạt động trải nghiệm và thiết bị dùng chung.
Đối với môn Ngữ văn khi dạy các tác phẩm truyện, truyện truyền thuyết, cổ tích… yêu cầu phải bộ tranh minh họa các thành tố của văn bản truyện. Với môn Ngoại ngữ yêu cầu phải có máy vi tính hoặc máy tính xách tay để kết nối với các thiết bị ngoại vi để trình chiếu bài giảng.
Đối với môn Công nghệ, chủ đề về nhà ở yêu cầu phải có tranh về vai trò và đặc điểm của nhà ở, Tranh về kiến trúc nhà ở Việt Nam, Tranh về xây dựng nhà ở và Tranh về ngôi nhà thông minh. Đối với chủ đề thực phẩm yêu cầu phải có Tranh về phương pháp chế biến thực phẩm để minh họa, tìm hiểu và khám phá.
13. Định mức kinh tế kỹ thuật phần mỹ thuật trong xây dựng công trình tượng đài và phù điêu
Ngày 10/11/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 08/2020/TT-BVHTTDL về việc ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật phần mỹ thuật trong xây dựng công trình tượng đài và phù điêu. Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/12/2020. Theo đó, định mức kinh tế - kỹ thuật phần mỹ thuật trong xây dựng công trình tượng đài và phù điêu là lượng tiêu hao các yếu tố về vật liệu, lao động và máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng mỹ thuật tượng đài và phù điêu. Định mức bao gồm: Mức hao phí vật liệu; Mức hao phí lao động; Mức hao phí máy thi công.
Ngoài ra, đối với tượng đài, phù điêu chất liệu đá, căn cứ tính chất công việc và mức độ cần thực hiện bảo dưỡng thì xác định trong phạm vi 15% hao phí định mức nhân công đục bắt dáng khối lớn, đục bắt dáng khối nhỏ, đục chi tiết, đục tạo chất điêu khắc và hoàn thiện, chỉnh lý sau dàn dựng của công tác chuyển chất liệu thi công tác phẩm tượng đài bằng đá (MT.14110) và chuyển chất liệu thi công tác phẩm phù điêu bằng đá (MT.24110).
14. 02 trường hợp hoãn thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc
Ngày 14/10/2020, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thứ tiêm thuốc độc. Cụ thể, sau khi ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình phân công cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xây dựng kế hoạch thi hành án tử hình. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình phải tổ chức họp Hội đồng, quyết định địa điểm, thời gian họp Hội đồng thi hành án tử hình.
Bên cạnh đó, Hội đồng quyết định hoãn thi hành án tử hình trong 02 trường hợp sau: Trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc có trở ngại khách quan khác không thể thực hiện được việc thi hành án tử hình, trên đường áp giải người bị thi hành án tử hình bị tai nạn phải đưa đến bệnh viện; Trang thiết bị, dụng cụ thi hành án tử hình bị hư hỏng; không xác định được tĩnh mạch; thuốc thi hành án tử hình không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng, các điều kiện khác không đáp ứng được.
Ngoài ra, không tổ chức việc giao nhận tử thi, tro cốt, hài cốt của người đã bị thi hành án tử hình vào ban đêm (từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau). Việc tổ chức mai táng người đã bị thi hành án tử hình phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự của địa phương và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông tư liên tịch có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2020.
Phạm Thị Quỳnh - Phòng Tư pháp huyện