BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 6/2020
Tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực
trong tháng 6 năm 2020
1. Bốn loại tài sản không được kê biên khi cưỡng chế thi hành án thương mại
Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2020/NĐ-CP về việc quy định cưỡng chế thi hành án đối với phạm nhân thương mại, Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/6/2020. Theo đó, việc cưỡng chế thi hành án đối với phạm nhân thương mại bằng hình thức kê biên tài sản sẽ không được áp dụng đối với 04 loại tài sản sau:
- Thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động, lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;
- Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác không dùng để kinh doanh;
- Phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ;
- Tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh…
Việc kê biên tài sản phải được tiến hành vào ban ngày, từ 08 giờ đến 17 giờ, trừ các ngày nghỉ, ngày lễ và các trường hợp đặc biệt. Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, tổ chức, cá nhân có tài sản bị kê biên, đại diện chính quyền địa phương nơi có tài sản bị kê biên và người chứng kiến. Ngoài ra, cơ quan thi hành án cũng chỉ được kê biên số tài sản có giá trị tương ứng với số tiền để thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.
2. Từ 01/6, thêm nhiều công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn
Ngày 15/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thuỷ văn, Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2020. Theo đó, từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thêm nhiều công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật Khí tượng thủy văn, bao gồm:
Thứ nhất, tuyến đường cao tốc tại khu vực thường xuyên có thời tiết nguy hiểm được xác định theo phân vùng rủi ro thiên tai do Tổng cục Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và được cập nhật định kỳ 3 năm/lần.
Thứ hai, cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên. Trong đó, cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên quan trắc tầm nhìn xa, mực nước, hướng và tốc độ gió, tần suất 4 lần/ngày theo giờ Hà Nội vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ.
Thứ ba, công trình mang tính chất đặc thù gồm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn thuộc các cụm Dịch vụ Kinh tế - Kỹ thuật (DK1), sân bay quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thay đổi thời gian cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn của sân bay dân dụng theo hướng thường xuyên và nhanh chóng hơn. Cụ thể: cung cấp thông tin về hướng, tốc độ gió bao gồm cả gió giật, tầm nhìn xa, hiện tượng thời tiết, mây, nhiệt độ, nhiệt độ điểm sương, khí áp và các dữ liệu quan trắc bổ sung 30 phút/lần (nếu có), liên tục trong 24 giờ tại các sân bay hoạt động 24/24 giờ.
3. Không được vận chuyển thuốc nổ, khí ga, xăng đi qua hầm dài 100m
Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2020/NĐ-CP về việc quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/6/2020. Theo đó, khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, không được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các loại chất dễ cháy, nổ đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên. Ngoài ra, người (tham gia giao thông hoặc hành khách) và phương tiện đang thực hiện vận chuyển các loại hàng hóa này cũng không được đồng thời vận chuyển trên cùng một chuyến phà.
Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp theo mẫu quy định và bao gồm các nội dung về: tên, địa chỉ, thông tin liên hệ của đơn vị được cấp phép, thông tin người đại diện theo pháp luật; loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm; lịch trình vận chuyển; thông tin về phương tiện, người điều khiển. Thời hạn của Giấy phép cấp theo từng chuyến hàng hoặc từng thời kỳ, tùy thuộc vào đề nghị của đơn vị vận chuyển nhưng tối đa là 24 tháng và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện.
4. Từ 15/6, diện tích sân gôn tiêu chuẩn 18 lỗ không quá 90 ha
Ngày 27/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về việc đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn, Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/6/2020.
Theo đó, diện tích sân gôn tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90 ha (bình quân không quá 05 ha trên một lỗ gôn); diện tích Dự án sân gôn xây dựng lần đầu không được quá 270 ha (54 lỗ gôn). Ngoài ra, nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng sân gôn trong thời hạn không quá 36 tháng (đối với sân gôn 18 lỗ) hoặc không quá 48 tháng (đối với sân gôn khác) kể từ ngày được quyết định cho thuê đất.
Bên cạnh đó, dự án sân gôn ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 05 ha đất trồng một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng và phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, điều kiện thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
Đáng chú ý, Chính phủ cấm các hành vi lợi dụng kinh doanh sân gôn để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép. Đồng thời, các loại đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao; đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển;… không được sử dụng để xây dựng sân gôn.
5. Phạm nhân ra tù có thể được miễn phí học nghề dưới 03 tháng
Ngày 17/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, có hiệu lực từ ngày 15/6/2020. Theo đó, trong khoảng thời gian 02 tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân.
Đồng thời, phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện trước khi trở về nơi cư trú được cấp hỗ trợ khoản tiền từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam.
Đáng chú ý, người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Hướng dẫn xử phạt VPHC lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công
Ngày 17/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 29/2020/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/6/2020. Theo đó, giải thích một số quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công. Cụ thể: hành vi thực hiện mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền được hiểu là tại thời điểm ký Hợp đồng mua sắm hoặc thời điểm ghi trên Hóa đơn bán hàng không có quyết định về mua sắm tài sản công; việc đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức là hành vi mua sắm, đầu tư vượt quá diện tích, số lượng, mức giá so với quy định.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể về các hành vi vi phạm quy định về giao, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước. Cụ thể: hành vi giao tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức là hành vi bố trí tài sản dự án cho người sử dụng đúng đối tượng nhưng vượt về diện tích, số lượng, mức giá; hành vi trao đổi tài sản không đúng quy định là hành vi sử dụng tài sản công của tổ chức để đổi lấy tài sản của các nhân, tổ chức khác nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép…
7. Cơ sở đào tạo chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp phải có kinh nghiệm trên 03 năm
Ngày 30/12/2019, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 32/2019/TT-BLĐTBXH quy định về tiêu chuẩn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01/6/2020. Cụ thể, tiêu chuẩn của cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đó là:
Thứ nhất, có ít nhất 03 năm kinh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Thứ hai, có tài liệu bồi dưỡng được biên soạn hoặc lựa chọn và ban hành trên cơ sở chương trình bồi dưỡng do Bộ trưởng Bộ Lao động TB và XH quy định.
Thứ ba, có đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy bảo đảm tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 34 và Điều 35 Nghị định 101/2017/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo, nghiên cứu phải đủ để tham gia giảng dạy ít nhất 70% khối lượng chương trình bồi dưỡng được giao tổ chức thực hiện…
Học viện, viện nghiên cứu, trường đại học có đủ các tiêu chuẩn trên được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I); giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II); giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng I; giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng II.
8. Giảm 50% phí thẩm định lại điều kiện cấp Giấy phép bưu chính
Ngày 14/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 291/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện hoạt động bưu chính, Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/6/2020. Theo đó, Bộ Tài chính thay đổi mức thu phí thẩm định lại điều kiện cấp Giấy phép bưu chính khi hết hạn. Cụ thể, theo quy định trước đây tại Thông tư 291/2016/TT-BTC mức phí thẩm định lần đầu và thẩm định lại là như nhau, nay Bộ Tài chính giảm 50% mức phí thẩm định lại, tương đương bằng 50% mức phí thẩm định lần đầu. Ngoài ra, mức phí thẩm định thay đổi nội dung khác trong giấy phép và thẩm định cấp lại giấy phép khi mất, hư hỏng cũng được giảm từ 3.000.000 đồng và 2.500.000 đồng xuống còn 1.000.000 đồng/lần.
Bên cạnh đó, khác với quy định cũ, Bộ Tài chính không quy định cụ thể phạm vi thu phí của các tổ chức thu phí mà chỉ quy định 02 tổ chức được quyền thu phí thẩm định điều kiện hoạt động bưu chính là: Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông.
9. Bộ Giáo dục - Đào tạo chính thức công bố Quy chế tuyển sinh đại học 2020
Ngày 07/5/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Thông tư có hiệu lực từ ngày 22/6/2020. Theo quy định mới, cơ sở giáo dục có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) để sơ tuyển, xét tuyển hoặc sử dụng hình thức khác như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Đối với trường hợp sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì: tổ hợp 03 bài thi/môn thi phải có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn và chỉ được sử dụng tối đa 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định trong trường hợp các trường tự tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh thì phải có Đề án tổ chức kỳ thi riêng và công bố trên Trang thông tin điện tử của trường trước khi đăng ký dự thi ít nhất 15 ngày. Mặt khác, các trường này cũng phải có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh, có Quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan, điều kiện cơ sở vật chất phù hợp…
Bên cạnh đó, Quy chế này cũng bổ sung thêm các nhóm đối tượng thí sinh được tham dự xét tuyển hoặc dự thi đại học, cao đẳng, bao gồm: Học sinh học chương trình nước ngoài, tại trường THPT ở Việt Nam (chương trình đó đã được nước sở tại công nhận và đạt trình độ tương ứng trình độ THPT của Việt Nam); học sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam..
Phòng Tư pháp huyện