BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 9/2020
Tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực
trong tháng 9 năm 2020
1. Từ ngày 01/9/2020, Doanh nghiệp phát hành trái phiếu chỉ cần công bố thông tin trước 03 ngày
Ngày 09/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2020. Theo quy định mới, doanh nghiệp phát hành chỉ cần công bố thông tin trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu tối thiểu 03 ngày làm việc cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán thay vì phải công bố trước tối thiểu 10 ngày làm việc như quy định cũ.
2. Luật sư xúi giục khách hàng khai sai sự thật bị phạt đến 40 triệu đồng
Ngày 15/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/9/2020. Theo đó, hành vi hành nghề luật sư khi chưa có chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn luật sư; Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng hoặc treo biển hiệu khi tổ chức hành nghề luật sư do mình thành lập hoặc tham gia thành lập chưa được đăng ký hoạt động;… sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Đáng chú ý, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 - 09 tháng, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với người hành nghề luật sư có hành vi cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; Xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo trái pháp luật;…
3. Nội dung Bộ câu hỏi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Ngày 17/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/9/2020. Theo đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam xây dựng, ban hành chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, Bộ câu hỏi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Nội dung Bộ câu hỏi sát hạch với số điểm tối đa là 100, bao gồm: 10 câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp; 05 câu hỏi về kiến thức pháp luật; 05 câu hỏi về kiến thức chuyên môn; 05 câu hỏi về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề. Trong đó, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc gồm: Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu; 02 ảnh màu cỡ 4x6 cm có nền màu trắng chân dung của cá nhân đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng; Kết quả sát hạch đạt yêu cầu còn hiệu lực; Văn bằng giáo dục đại học phù hợp với nội dung chứng chỉ đề nghị cấp;…
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc trong thời hạn 15 ngày đối với trường hợp cấp mới; 05 ngày đối với trường hợp cấp lại;10 ngày đối với trường hợp gia hạn chứng chỉ hành nghề.
4. Sửa đổi, bổ sung quy trình mua tàu biển sử dụng vốn Nhà nước
Ngày 23/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển, có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.
Cụ thể, việc mua tàu biển sử dụng vốn Nhà nước được thực hiện thông qua 5 bước thay vì 4 bước theo quy định cũ gồm: Phê duyệt chủ trương mua tàu biển; Lựa chọn tàu, dự kiến giá mua và các chi phí liên quan đến giao dịch mua tàu; Lập, thẩm định, phê duyệt dự án mua tàu biển; Quyết định mua tàu biển; Hoàn tất thủ tục mua tàu biển. Quy trình của việc bán tàu biển sử dụng vốn Nhà nước; dự án đóng mới tàu biển sử dụng vốn Nhà nước cũng được thực hiện qua 5 bước như trên.
5. Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho người lao động bị tai nạn
Ngày 28/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2020. Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi có đủ các điều kiện sau: Suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên; Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc thẩm quyền quản lý phù hợp với sức khỏe; Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.
Bên cạnh đó, người lao động được hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện: Thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên; Được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám.
Ngoài ra, người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa một lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện, cụ thể: Không quá 150.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là an toàn vệ sinh viên; Không quá 300.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác y tế;…
6. Hướng dẫn đăng ký hộ tịch trực tuyến từ ngày 15/9/2020
Ngày 28/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2020. Theo đó, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là Cơ sở dữ liệu được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch, nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật, bằng thiết bị số, trong môi trường mạng, thông qua Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. Cụ thể, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến.
Sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến được cấp 01 mã số hồ sơ thủ tục hành chính để theo dõi, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ hoặc truy cập để hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký hộ tịch. Ngay trong ngày làm việc, khi nhận được hồ sơ yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, phù hợp với quy định pháp luật của hồ sơ…
7. Bỏ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ
Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNV ngày 14/7/2020 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2014/TT-BNV ngày 01/10/2014 hướng dẫn về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ. Theo hướng dẫn mới được sửa đổi đã bỏ quy định tại Điều 6 và Điều 8 của Thông tư 09/2014/TT-BNV về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ cũng như việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận.
Hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định mới gồm: Bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đổi chiếu các giấy tờ: Giaays chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đối với tổ chức; Hộ khẩu thường trú; Chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ; Chứng chỉ hành nghề lưu trữ đối với cá nhân hành nghề độc lập; Danh sách người hành nghề; Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất…
Như vậy, hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định mới đã bỏ Đơn đề nghị cấp, cấp lại Giấy Chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2020.
8. Hướng dẫn thực hiện tạm hoãn xuất cảnh
Ngày 14/7/2020, Bộ Công an ban hành Thông tư số 79/2020/TT-BCA về việc hướng dẫn thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2020. Cụ thể, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cập nhật thông tin vào chương trình quản lý, thông báo đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh, cơ quan liên quan trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định gia hạn, hủy bỏ, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa chưa cho nhập cảnh. Đối với văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh phải báo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét quyết định trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận quyết định, đề nghị tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh và gia hạn, hủy bỏ, giải tỏa quyết định tạm hoãn xuất cảnh; giải tỏa quyết định chưa cho nhập cảnh của cơ quan, người có thẩm quyền.
9. Chính thức ban hành quy chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật
Ngày 29/6/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật, có hiệu lực từ ngày 01/9/2020. Theo đó, chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật quy định về hệ thống kí hiệu ngôn ngữ Việt Nam dành cho người khuyết tật nghe, nói sử dụng. Hệ thống kí hiệu ngôn ngữ Việt Nam trong quy định này bao gồm bảng quy ước mũi tên, bảng kí hiệu chữ cái và các dấu thanh, bảng kí hiệu chữ số và danh mục từ ngữ kí hiệu. Cụ thể, danh mục từ ngữ kí hiệu này bao gồm 408 từ ngữ kí hiệu được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái Tiếng Việt. Cần lưu ý, nhìn vào hình vẽ và phần mô tả trước khi thực hiện kí hiệu. Thực hiện kí hiệu theo đúng thứ tự 1, 2, 3,… (nếu có) như trong hình vẽ và mô tả; thực hiện động tác của nét đứt trước, nét liền sau (nếu có).
Bên cạnh đó, vị trí làm kí hiệu là vị trí của bàn tay so với cơ thể khi làm kí hiệu. Vị trí làm kí hiệu khác nhau thể hiện những ý nghĩa khác nhau. Khoảng không gian để thể hiện kí hiệu được giới hạn từ đỉnh đầu, khoảng không gian phía trước cơ thể mở rộng đến độ rộng của hai khuỷu tay ở hai phía, lưng và hông.
10. Không kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức trong thời gian được bảo vệ
Ngày 21/7/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BNV quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức. Thông tư có hiệu lực từ 05/9/2020. Cụ thể, bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo. Theo đó, không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ các trường hợp sau:
Thứ nhất, thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Chương V Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.
Thứ hai, được sự đồng ý của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ ba, theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo./.
Hoàng Linh- Phòng Tư pháp huyện