Năm APEC 2017 là cơ hội quan trọng để khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành công của Năm APEC 2006 và uy tín quốc tế ngày càng cao qua việc đảm nhận tốt các trọng trách ở nhiều tổ chức, diễn đàn những năm qua đã giúp Việt Nam bước vào Năm APEC 2017 với một tâm thế mới.
Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” được bạn bè, đối tác đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng. Trên cơ sở tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, Việt Nam đề ra bốn ưu tiên lớn về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đây là những nội dung đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn mới.
Việc xác định đúng chủ đề, ưu tiên và các hướng hợp tác của APEC 2017 thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của đối ngoại Việt Nam. Trước hết, đó là tầm nhìn về một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển năng động, tiếp tục là đầu tàu của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.
Trong đó, Diễn đàn APEC, Cộng đồng ASEAN, các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công, các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhiều bên và song phương… cùng phát triển và bổ trợ lẫn nhau, hình thành một cấu trúc khu vực bền vững, toàn diện.
Tầm nhìn chiến lược đó xuất phát từ niềm tin mạnh mẽ là thế kỷ XXI cần được định hình bởi tư duy bình đẳng, cùng có lợi và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, chứ không phải lối nhìn theo kiểu "kẻ được, người mất", nhất là trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Tất cả các nước khu vực, dù có hay không là thành viên APEC, đều chia sẻ lợi ích chung trong việc xây dựng quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ XXI.
Đối với Việt Nam, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất. Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và nhiều bên của nước ta. Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC.
Do đó, Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam và là đóng góp quan trọng nhất của nước ta đối với hợp tác APEC trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 cũng như các nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018, việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 sẽ góp phần hiện thực hóa một chủ trương rất quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các cơ chế đa phương”.
Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới, với sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè và đối tác, chắc chắn Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần phục vụ thiết thực các lợi ích phát triển và an ninh của chúng ta, đồng thời khẳng định tầm nhìn và vị thế mới của đất nước./.