Tam Cốc có nghĩa là ba hang: Hang Cả, hang Hai và hang Ba. Vào thăm Tam Cốc chỉ có một con đường thủy duy nhất dọc theo dòng sông Ngô Đồng, ra vào mất khoảng ba tiếng đồng hồ. Từ bến đò Văn Lâm đến hang Cả đi bằng thuyền khoảng 2km, du khách có thể ngắm nhìn cảnh trời mây non nước rất nồng nàn thi vị. Hang Cả dài 127m, rộng 20m, nằm dưới một quả núi lớn, vắt ngang qua hai dãy núi bên sông Ngô Đồng, cửa hang rộng khoảng 20m, khi thuyền luồn vào trong hang, ta sẽ thấy mát lạnh, khi thuyền ra khỏi hang, nhìn lại vách núi, du khách sẽ thấy dáng núi tựa như một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi câu cá, lưng chừng núi từng đàn dê đủng đỉnh ăn lá cây, trên vách núi cheo leo những giỏ phong lan đủ màu đang khoe sắc cùng với đất trời. Đi thuyền thêm 1km nữa bạn đến hang Hai dài khoảng 60m, rộng 18m cũng nằm ở dưới một quả núi vắt ngang qua dãy núi ở hai bên sông, trên trần của hang Hai có nhiều nhũ đá như hình mây bay. Qua khoảng 100m nữa đến hang Ba, dài 45m, rộng 18m. So với hang Cả và hang Hai, đây là hang mát nhất vì nó thấp hơn cả - trần hang có ít nhũ đá rủ. Xuôi thuyền khoảng 4km nữa sẽ đến "Suối Tiên". Suối Tiên có dòng nước trong vắt nhìn tận đáy từng đàn cá đang bơi lội tung tăng, ẩn hiện dưới những lớp rong rêu. Dưới lòng suối có những phiến đá rất to và bằng phẳng. Tương truyền đây là nơi tiên thường xuống tắm, nên mới được gọi là "Suối Tiên".
Đi ngược với hướng Tam Cốc là chùa Bích Động, nằm trên sườn núi cao dãy núi Ngũ Nhạc, một thắng cảnh được mệnh danh là "Nam Thiên đệ Nhị động" (động đẹp thứ nhì trời Nam sau động Hương Tích, Hà Nội). Đây là một công trình văn hóa - kiến trúc cổ kính, đường nét hoa văn chạm trổ rất tinh xảo. Chùa được xây dựng với quy mô lớn từ đầu thời Hậu Lê. Trong chùa còn quả chuông lớn đúc từ thời Lê Thái Tổ (1428-1433) mộ tháp các vị hoà thượng có công xây chùa. Thời Cảnh Hưng (1740-1786) chùa được trùng tu mở rộng thêm, gồm: Chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.

Lung linh Tam Cốc - Ảnh: NMT
Bước vào chùa Hạ, một bức đại tự bằng chữ Hán ở chính giữa có ghi "Mạo Cổ Thần Thanh” để nói lên ngôi chùa từ xưa nay thiêng lắm. Từ chùa Hạ bước lên khoảng 80 bậc đá theo hình chữ “S” tới lưng chừng dãy núi Ngũ Nhạc là chùa Trung. Ngay phía trước là hai chữ “Bích Động” tạc vào vách núi. Phía bên trái chùa có tấm bia “Bích Sơn thiền tự bi” dựng thời Lê Dụ Tông (1705-1792), phía bên phải là tấm bia thời Cảnh Hưng tạc ngay vào sườn núi. Từ chùa Trung chèo trên 20 bậc đá nữa, qua hang Tối có chuông cổ, tượng Phật bằng đồng, qua cổng đá cuối sẽ đến chùa Thượng, chùa dựng trên điểm cao chót vót gần đỉnh núi. Hai bên chùa có hai miếu thờ, miếu hướng Bắc thờ sơn thần, miếu hướng Nam thờ thổ địa. Đứng trên chùa Thượng có thể phóng tầm mắt bao quát được toàn bộ cảnh đẹp của chùa Bích Động, không những đẹp về phong cảnh duyên dáng hữu tình, về nghệ thuật văn hóa - kiến trúc, mà nơi đây còn mang ý nghĩa là di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Ninh Bình.
Tam Cốc - Bích Động là một quần thể danh lam thắng cảnh đẹp, hoang sơ, hội tụ nhiều yếu tố tài nguyên du lịch như: Tâm linh, sinh thái, leo núi, chắc chắn sẽ cho bạn những phút giây trải nghiệm thật tuyệt vời. Mời bạn hãy một lần đến để tự mình khám phá động đẹp nhì trời Nam./.
Mai Linh