Ngày 28 tháng 12 năm 2022 tại trụ sở UBND huyện Hoa Lư, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hoa Lư đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị.
Tham dự hội nghị có Ban Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện, các Đ/c thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH Huyện.

Quang cảnh hội nghị
Tại phiên họp, Hội nghị đã nghe đồng chí Đ/c Vũ Văn Quang - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Huyện báo cáo kết quả hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hoa Lư năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị. Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện thống nhất đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế và triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ như sau:
Năm 2022, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã chỉ đạo triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng quản trị, các văn bản chỉ đạo của NHCSXH và Nghị quyết, Quyết định của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Ninh Bình.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện tiếp tục tham mưu Huyện uỷ, UBND huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chị thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trọng tâm tham mưu UBND huyện bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh Covid-19; tích cực triển khai các giải pháp huy động nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Năm 2022, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã tham mưu UBND huyện chuyển nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 1,2 tỷ đồng, đạt 120% KH năm.
Tham mưu UBND huyện tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính Phủ.
Tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban ngành có liên quan rà soát, nắm bắt nhu cầu và triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt các chương trình tín dụng theo nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; triển khai hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng. Chủ động điều chỉnh kế hoạch dư nợ cho vay giữa các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các đối tượng thụ hưởng và đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao năm 2022.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã chỉ đạo các các đơn vị có liên quan phối hợp với PGD NHCSXH triển khai công tác đối chiếu, phân loại nợ đến từng khách hàng năm 2021 theo Văn bản chỉ đạo số 10726/NHCS-QLN ngày 19/11/2021 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Văn bản số 289/CV-BĐD ngày 26/11/2021 của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Ninh Bình.
Tham mưu UBND huyện kiện toàn kịp thời thành viên khi có biến động về nhân sự, đảm bảo đủ số lượng, thành phần theo quy định
Tổng nguồn vốn đến 31/12/2022 ước thực hiện là 254.749 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng so với đầu năm là 46.446 triệu đồng. Cụ thể:
Nguồn vốn cân đối từ Trung ương 184.401 triệu đồng, tăng 36.536 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 72,4% tổng nguồn vốn;
Nguồn vốn huy động tại địa phương 46.494 triệu đồng, tăng 3.944 triệu đồng, đạt 100 % kế hoạch, chiếm tỷ trọng 18,3% tổng nguồn vốn;
Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương 23.788 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 9,3%. Trong đó: nguồn vốn ngân sách tỉnh 19.192 triệu đồng, tăng 4.700 triệu đồng; Nguồn vốn ngân sách huyện 4.596 triệu đồng, tăng 1.200 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch.
Tổng dư nợ ước thực hiện đến 31/12/2022 là 254.231 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 46.149 triệu đồng so với 31/12/2021. Các chương trình tín dụng có dư nợ tăng cao như: chương trình Cho vay giải quyết việc làm tăng 35.660 triệu đồng, cho vay Nhà ở xã hội 3.268 triệu đồng, cho vay Nước sạch và VSMTNT tăng 2.981 triệu đồng.
Kết quả cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP: Ước thực hiện đến 31/12/2022 là 22.420 triệu đồng/493 khách hàng, đạt 100% kế hoạch tăng trưởng. Cụ thể: (Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 17.500 triệu đồng/350 khách hàng; Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở là 3.300 triệu đồng/9 khách hàng; Cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến là 1.300 triệu đồng/80 khách hàng/130 HSSV được mua máy tính; Cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 là 320 triệu đồng/4 khách hàng).
Năm 2022, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định. Ước đến 31/12/2022, tổng nợ quá hạn trên địa bàn là 149 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,06%.
PGD NHCSXH huyện tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giao dịch tại 11 điểm giao dịch xã/11 xã, thị trấn; niêm yết công khai đầy đủ thủ tục giải quyết công việc của NHCSXH; công khai dư nợ; thông báo chính sách tín dụng ưu đãi… tại điểm giao dịch xã theo đúng quy định. Tổ chức tốt các buổi họp giao ban với các Hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ trưởng Tổ TK&VV, có lãnh đạo UBND cấp xã tham dự và chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Tổng dư nợ uỷ thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội huyện ước thực hiện đến 31/12/2022 là 250.036 triệu đồng/6.988 hộ, chiếm 98,3% tổng dư nợ, tăng 44.332 triệu đồng so với 31/12/2021. Nợ quá hạn ủy thác là 149 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng dư nợ ủy thác.
Về chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV: Đến 30/11/2022, trên địa bàn huyện có 201 tổ TK&VV, Trong đó: xếp loại tốt 195 tổ, chiếm 94,5 %, tăng 03 tổ so với 31/12/2021; xếp loại khá 5 tổ, chiếm 2,49%, giảm 10 tổ so với 31/12/2021; xếp loại trung bình 1 tổ, chiếm 0,05%, giảm 02 tổ so với 31/12/2021; không có tổ xếp loại yếu, bằng so với 31/12/2021.
Về công tác kiểm tra, giám sát: Năm 2022, có 4/4 cấp Hội huyện đã tổ chức kiểm tra được 39 lượt xã, thị trấn/112 tổ TK&VV/608 hộ vay; 11/11 thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện là Chủ tịch UBND xã, thị trấn và 10/10 thành viên là lãnh đạo các phòng, ban, chủ tịch Hội, đoàn thể huyện đã tổ chức kiểm tra, giám sát trên địa bàn được phân công và hoàn thành 100% kế hoạch.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ những khó khăn vướng mắc và đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 cũng như đề xuất giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện./.
nguồn: Ngân hàng CSXH huyện