Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN huyện, tối qua (10/9), bể xả trạm bơm Ninh Giang và trạm bơm Bạch Cừ đã đến mực nước max, do vậy, trạm bơm Ninh Giang đã dừng máy lúc 19h30', trạm bơm Bạch Cừ đã dừng máy lúc 21h30’ cùng ngày. Xã Ninh Khang đã hoành triệt đắp bao cát trị dò ba cửa xả xong lúc 22h30’. Mực nước Âu Chanh thời điểm 6h30’ ngày 11 tháng 9 năm 2024 = 4,5 m.


Xã Ninh Khang tiến hành hoành triệt cửa xả Trạm bơm Bạch Cừ
Do trạm bơm Bạch Cừ và Ninh Giang ngừng bơm và lượng nước từ thành phố Ninh Bình chảy về nên khả năng ngập úng khu vực khu vực phía Đông đường QL 1A là rất cao (tuỳ thuộc vào lượng mưa), Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn có phương án phòng chống úng, ngập, đồng thời tuyên truyền cho người dân biết phòng tránh.
Trước đó, Chủ tịch UBND huyện – Nguyễn Quốc Hưng đã có Công điện số 02/CĐ- UBND, ngày 10 tháng 9 năm 2024, yêu cầu Chủ tịch UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các xã, thị trấn: Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến cơn bão và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến tổ chức và người dân có hoạt động trên sông, ven sông, bãi sông, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; các bến đò ngang, dò dọc biết để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản. Nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện. Tạm dừng hoạt động các bến đò ngang trên sông cho đến khi lũ rút. Nghiêm cấm xe có tải trọng lớn chạy trên đê. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; du khách và dân cư ở các khu, điểm du lịch. Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; các công trình đang thi công dở dang theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có lũ. Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Luật đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Thông tư 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009. Kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước trong khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các công trình đang thi công ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước; sẵn sàng phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực thấp trũng./.
Mạnh Hà