Thứ ba, 16/07/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Dự thảo báo cáo tóm tắt Đề án: “Thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường trực thuộc”

Thứ năm, 11/07/2024 | Đã xem: 423 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 3 điểm ( 1 đánh giá )

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH NINH BÌNH

Số:         /BC-UBND

“Dự thảo”

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ninh Bình, ngày       tháng 7 năm 2024

BÁO CÁO TÓM TẮT

Đề án: Thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp

đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường trực thuộc

 

 

Tỉnh Ninh Bình nằm ở cực Nam của đồng bằng Bắc Bộ, giáp ranh với các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Hoà Bình, Thanh Hoá và phía Nam là biển Đông; có diện tích tự nhiên là 1.411,86 km2 với dân số là 1.106.913 người. Toàn tỉnh có 06 đơn vị hành chính (sau đây viết tắt ĐVHC) cấp huyện, gồm 06 huyện (Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, Hoa Lư) và 02 thành phố (Ninh Bình, Tam Điệp) với 143 xã, phường, thị trấn (119 xã, 17 phường, 07 thị trấn). Với những giá trị đặc biệt riêng có về địa lý, văn hóa - lịch sử, sinh thái tự nhiên và truyền thống cách mạng, nằm ở vị trí cửa ngõ cực Nam khu vực miền Bắc, điểm kết nối, giao thoa, chuyển tiếp liên vùng giữa Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ; Ninh Bình cũng là “Cửa ngõ phía Nam của Nền văn minh sông Hồng”; đồng thời giữ vị trí trọng yếu, quan trọng về quốc phòng - an ninh trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu 3 và cả nước.

Hơn 30 ngàn năm trước, Ninh Bình là nơi được người tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống. Trong suốt mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, vùng đất Ninh Bình luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những cuộc trường chinh vào Nam, ra Bắc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của người Việt. Thế kỷ 10, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta.

Đến nay, nơi đây còn lưu giữ được đậm đặc trầm tích lịch sử và dấu ấn văn hóa đặc sắc, cùng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tự nhiên đã tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO vinh danh là Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Bên cạnh đó, còn có gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và gần 500 di sản văn hóa phi vật thể phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ xưa đến nay.

Xác định đô thị hóa là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng phát triển đô thị với những chủ trương, định hướng cụ thể. Theo đó, không gian đô thị từng bước được mở rộng, dân số đô thị tăng, đời sống Nhân dân ngày một nâng cao; hệ thống đô thị phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại hơn; kiến trúc, cảnh quan được cải thiện rõ rệt, sáng - xanh - sạch - đẹp, hài hòa với thiên nhiên. Việc thu hút đầu tư phát triển đô thị đạt được kết quả tích cực, huy động các nguồn lực xã hội hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhằm đạt mục tiêu phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của Vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, trọng tâm là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”, trở thành một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia, mang tầm quốc tế và cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của việc sắp xếp đơn vị hành chính, khuyến khích địa phương thực hiện nhập đơn vị hành chính để tạo đột phá, động lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Bình.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 14/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 23/8/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030; Kế hoạch số 138-KH/TU ngày 23/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030; Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 25/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025. Trong đó, tỉnh Ninh Bình xác định mục tiêu:

- Đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định gắn với cơ cấu lại không gian địa giới hành chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, trong đó xác định thực hiện việc thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường trực thuộc gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”, cùng với đó là việc hoàn thiện các tiêu chí công nhận thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Toàn tỉnh có 11 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa phấn đấu đạt 45%.

- Đến năm 2030, hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định. Toàn tỉnh có 17 đô thị (07 đô thị trung tâm, 02 đô thị chức năng, 08 đô thị khác), tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.  

Để thực hiện mục tiêu trên, đồng thời cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quốc gia, vùng và các dự án có liên quan; khai thác tốt các thế mạnh sẵn có nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, tăng cường và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo hài hòa giữa phát triển đô thị, thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh; tạo động lực thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng Đề án “Thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường trực thuộc” với các nội dung sau:

I. CƠ SỞ CHÍNH TRỊ VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Cơ sở chính trị

- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã.

- Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Kết luận 48-KL/TW ngày 30/01/2023 Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

- Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 14/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 23/8/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030.

- Kế hoạch số 138-KH/TU ngày 23/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030.

2. Căn cứ pháp lý

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019.

- Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

- Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC; Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC.

- Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

- Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

- Công văn số 262/UBTVQH14-PL ngày 17/4/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thống nhất thực hiện các quy định về điều chỉnh địa giới ĐVHC gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6.

- Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC; Nghị định số 66/2023/NĐ-CP ngày 24/8/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số đều của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC.

- Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

- Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 10/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Duyên hải Bắc Bộ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050.

- Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 20/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận thành phố Ninh Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Bình.

- Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030.

- Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 133/QĐ-UBND ngày 16/03/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 25/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025.

- Văn bản số 7511/BNV-CQĐP ngày 20/12/2023 (kèm theo văn bản của Ủy ban Pháp luật Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương liên quan) về việc góp ý Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình. văn bản số 677/BNV-CQĐP ngày 06/02/2024 của Bộ Nội vụ về việc xây dựng hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

- Phương án tổng thể số 02/PA-UBND ngày 01/02/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025.

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết của việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư

1.1. Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thực hiện sắp xếp ĐVHC:

Thực hiện các chủ trương của Trung ương về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, bao gồm:

- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu: Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 các ĐVHC cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, giai đoạn từ năm 2022 - 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019 - 2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã phù hợp với Quy hoạch tổng thể ĐVHC.

- Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 đề ra nhiệm vụ, giải pháp: Việc sắp xếp phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp ĐVHC tinh gọn, phù hợp với thực tiễn địa phương (kể cả các ĐVHC đã bảo đảm tiêu chuẩn).

- Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 quy định cụ thể các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030.

- Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Như vậy, các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, quy định, kế hoạch cụ thể của việc sắp xếp ĐVHC, khuyến khích địa phương thực hiện nhập ĐVHC để tạo đột phá, động lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Bình.

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; đối chiếu với tiêu chuẩn của ĐVHC quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC; các số liệu thống kê đến ngày 31/12/2022, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Ninh Bình có 01 ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp (huyện Hoa Lư). Qua rà soát, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng Đề án thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp ĐVHC cấp xã và thành lập các phường trực thuộc theo quy định.

1.2. Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố Ninh Bình:

Thành phố Ninh Bình nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội 90 km theo Quốc lộ 1A về phía Bắc, cách thành phố Nam Định 28 km, tỉnh Quảng Ninh 110 km theo Quốc lộ 10, Quốc lộ 38B về phía Đông Bắc, cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Nam. Phía Đông giáp huyện Yên Khánh và tỉnh Nam Định; phía Tây giáp huyện Hoa Lư; phía Nam giáp huyện Hoa Lư và huyện Yên Khánh; phía Bắc giáp huyện Hoa Lư và tỉnh Nam Định. Là thành phố có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, với nhiều sự kiện lịch sử và thành tích đáng tự hào trong quá trình đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Sau 70 năm được hoàn toàn giải phóng (kể từ 30/6/1954), thành phố Ninh Bình luôn khẳng định vai trò đầu tàu trong hệ thống đô thị của tỉnh Ninh Bình, được xác định với các chức năng là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh; trung tâm văn hóa, lịch sử, du lịch cấp Quốc gia, có ý nghĩa Quốc tế; đồng thời là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ, đồng thời là cửa ngõ phía Đông Nam của vùng thủ đô Hà Nội, thành phố Ninh Bình là đầu mối giao thông quan trọng trong hệ thống các tuyến giao thông huyết mạch về đường bộ, đường sắt và đường thủy của Quốc gia. Về giao thông đường bộ, thành phố là một đỉnh của tam giác giao thông Hà Nội - Hải Phòng - Ninh Bình, với 03 tuyến đường quốc lộ quan trọng gồm tuyến Quốc lộ 1A nối Ninh Bình với Thủ đô Hà Nội, tuyến Quốc lộ 38B nối Ninh Bình - Hải Dương - Nam Định, tuyến Quốc lộ 10 nối Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Đặc biệt, thành phố Ninh Bình còn là đầu mối giao thông của 03 tuyến dường cao tốc gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh và Ninh Bình - Hải Phòng - Hạ Long. Về giao thông đường sắt, trên địa bàn thành phố có ga Ninh Bình và tuyến đường sắt Quốc gia Bắc - Nam chạy qua với tổng chiều dài 7 km, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa từ thành phố đi khắp các vùng, miền của đất nước. Trong tương lai, khi dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được triển khai đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với điểm dừng tại trung tâm thành phố sẽ góp phần tăng cường năng lực vận tải giao thông bằng đường sắt. Về giao thông đường thủy, thành phố có cảng Ninh Bình, cảng Ninh Phúc nối thông ra biển qua cửa sông Đáy. Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ và hiện đại, tạo điều kiện rất thuận lợi cho tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Ninh Bình nói riêng trong việc đi lại, giao thương hàng hóa và giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, cả nước và quốc tế.

Thành phố Ninh Bình còn được xác định là một trong số những trung tâm lớn của quốc gia về du lịch, với các loại hình du lịch chủ yếu là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan danh thắng với các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh,... Các khu du lịch trên địa bàn thành phố bao gồm: Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu Di tích văn hóa lịch sử Núi Non Nước (hay còn có tên gọi là Dục Thúy Sơn), núi Ngọc Mỹ Nhân, Núi và hồ Kỳ Lân, sông Vân Sàng,... Đặc biệt, Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới năm 2014, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh và mạnh ngành du lịch của thành phố Ninh Bình nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung trong những năm qua, đưa thành phố Ninh Bình trở thành tâm điểm đến của các Tour du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực và tỉnh có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, văn bản của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo từng tháng, từng quý nên hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Ninh Bình nói riêng có xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhanh, đời sống người dân, thu nhập người lao động không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (theo giá so sánh năm 2010) năm 2023 đạt 62.491 tỷ đồng, tăng 9,23% so với năm 2022, bình quân 03 năm 2021-2023 tăng 8,86%. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 33.605 tỷ đồng, tăng 1,98%; thương mại - dịch vụ đạt 28.732 tỷ đồng, tăng 19,21%, nông - lâm nghiệp - thủy sản đạt 154 tỷ đồng, giảm 2,53%. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 29.156 tỷ đồng, tăng 28,9% so với năm 2022; tổng thu ngân sách năm 2023 đạt 2.617,24 tỷ đồng, tổng chi ngân sách đạt 2.617,24 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng giảm tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản, tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 91,20%; thu nhập bình quân đầu người đạt 70,51 triệu/người/năm.

Lĩnh vực văn hóa xã hội đều có những chuyển biến tích cực theo định hướng, hài hòa với phát triển kinh tế. Công tác giảm nghèo và chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, xã hội được quan tâm thường xuyên, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giảm còn 0,64%, bình quân 03 năm 2021-2023 giảm còn 0,74%; công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được duy trì thường xuyên; công tác xã hội hóa trên lĩnh vục giáo dục, y tế được thực hiện có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn. Cơ sở vật chất, trường học, trang thiết bị y tế và các thiết chế văn hóa thể thao tiếp tục được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi giải trí ngày càng tăng của nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Không gian đô thị Ninh Bình hiện hữu là đô thị lâu đời, đồng thời là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, hiện nay thành phố Ninh Bình đang phải đối mặt với với những khó khăn, thách thức lớn cần tập trung giải quyết như: Đô thị chưa phát huy được các lợi thế về vị trí địa lý, giao thông quốc gia và vùng để trở thành đô thị hạt nhân phát triển đô thị toàn tỉnh Ninh Bình và thúc đẩy sự phát triển của các đô thị lân cận; việc định hướng phát triển mạng lưới giao thông liên khu vực chưa kết nối hiệu quả với các tuyến giao thông quốc gia, với các khu công nghiệp, khu du lịch, tham quan trên địa bàn tỉnh; việc kiểm soát, quản lý và định hướng khai thác bên bờ sông Đáy, việc quản lý, khai thác có hiệu quả, bảo tồn và phát huy tối đa các danh thắng, di sản văn hóa, di tích lịch sử,…trên địa bàn, đặc biệt là Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của địa phương.

Diện tích tự nhiên thành phố Ninh Bình là 46,75 km2, chưa đạt tiêu chuẩn của thành phố quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 150 km2, nhỏ hơn nhiều so với các đô thị là trung tâm tỉnh lỵ của các tỉnh đã và đang được mở rộng không gian phát triển đô thị (thành phố Thái Nguyên có 222,93 km2; thành phố Nam Định có 120,90 km2; thành phố Bắc Giang có 258,30 km2; thành phố Hải Dương có 111,64 km2; thành phố Thanh Hóa có 228,21 km2; thành phố Tuyên Quang có 184,38 km2;…). Trong đó, cơ cấu hiện trạng sử dụng đất của thành phố Ninh Bình gồm đất nông nghiệp là 14,12 km2, chiếm 30,20%; đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng là 32,63 km2, chiếm 69,80% diện tích tự nhiên của thành phố.

Quy mô đô thị Ninh Bình chưa đáp ứng với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Một số tiêu chuẩn của đô thị đạt vượt trội so với quy định như: đất dân dụng, đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị, các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại dịch vụ cấp đô thị,... trong khi quỹ đất còn lại để tiếp tục bố trí các khu, cụm công nghiệp, cơ sở thương mại - dịch vụ, sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp, đất ở đô thị, an sinh xã hội, trồng cây xanh, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, giao thông đô thị,… là quá ít, dân số của thành phố ngày càng gia tăng, lượng khách du lịch đến với địa bàn ngày càng lớn, tập trung chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch, danh thắng và các cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ,… cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh làm phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Do đó, với vị trí địa lý của thành phố Ninh Bình, việc mở rộng quy mô đô thị về phía Tây là tất yếu và rất cần thiết nhằm tạo không gian, dư địa và động lực đầu tư phát triển một cách đồng bộ, hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị theo hướng “Xanh và Bền Vững”.

1.3. Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của huyện Hoa Lư:

Huyện Hoa Lư nằm ở trung tâm của tỉnh Ninh Bình, nằm giữa thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 8 km về phía Tây theo Quốc lộ 38B, cách Thủ đô Hà Nội 85 km về phía Nam theo Quốc lộ 1A. Phía Đông giáp thành phố Ninh Bình và huyện Yên Khánh; phía Tây giáp huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan; phía Nam giáp thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô; phía Bắc giáp huyện Gia Viễn và tỉnh Nam Định. Là huyện có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Ninh Bình. Thế kỷ thứ X, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc; là vùng đất gắn với 06 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý với nhiều dấu ấn lịch sử. Đến nay, nơi đây còn lưu giữ được đậm đặc trầm tích lịch sử và dấu ấn văn hóa đặc sắc của vùng cố đô.

Với vị trí nằm giữa 02 đô thị lớn của tỉnh là thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, thuộc phạm vi quy hoạch mở rộng của thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa trên địa bàn. Qua nhiều năm phấn đấu, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của Tỉnh, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoa Lư trong việc phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, việc cải tạo chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các cụm công nghiệp được hình thành và phát triển ổn định; ngành du lịch tiếp tục phát mạnh mẽ và đóng vai trò mũi nhọn trong chiến lược định hướng phát triển của huyện; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Tuy nhiên, mô hình quản lý của chính quyền nông thôn hiện nay làm hạn chế khả năng đột phá, chưa khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các danh thắng, di sản văn hóa lịch sử của vùng Cố đô còn nhiều hạn chế, nếu được gắn kết với thành phố Ninh Bình sẽ là điều kiện thuận lợi nhằm “đánh thức” tiềm năng, chuyển hóa thành thế mạnh, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đó là:

1.3.1. Về tiềm năng, điều kiện đất đai:

Huyện Hoa Lư có tổng diện tích tự nhiên là 103,49 km2, trong đó đất nông nghiệp là 63,36 km2, chiếm 61,22%; đất phi nông nghiệp là 35,01 km2, chiếm 33,83% và đất chưa sử dụng là 5,12 km2, chiếm 4,95%. Cùng với thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư thuộc vùng đồng bằng trũng trung tâm của tỉnh Ninh Bình, với diện tích đất nông nghiệp còn lại là rất lớn và tương đối bằng phẳng là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển đô thị, bố trí các khu, cụm công nghiệp và khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyên canh tạo thành hình thái độc đáo, là không gian xanh, “lá phổi” của thành phố Ninh Bình.

1.3.2. Về giao thông:

Hoa Lư có hệ thống giao thông phát triển khá đồng bộ và hiện đại cả về giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt. Địa bàn huyện có tuyến đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua, cùng với đó là các tuyến giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 38B, Đại lộ Tràng An, ĐT.491, ĐT.491B, ĐT.491C…; về đường thủy địa bàn huyện giáp hai sông lớn là sông Đáy và sông Hoàng Long ở phía Bắc, sông Sào Khê và sông Chanh chảy dọc huyện nối sông Hoàng Long với sông Vân; về đường sắt địa bàn huyện có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua, với ga Cầu Yên tiếp nối sau ga Ninh Bình và ga Ghềnh, tạo điều kiện rất thuận lợi trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa và giao lưu với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

1.3.3. Về phát triển công nghiệp:

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 23/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, cùng với thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư thuộc vùng đồng bằng trũng trung tâm của tỉnh, có điều kiện thuận lợi phát triển các khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Trên địa bàn huyện hiện có 03 Cụm công nghiệp, bao gồm Cụm công nghiệp Ninh Khánh với diện tích 20 ha, chủ yếu phát triển công nghiệp nhẹ; Cụm công nghiệp Ninh Tiến với diện tích 65 ha, các lĩnh vực sản xuất chính gồm: chế biến, sản xuất đá mỹ nghệ, vật liệu đá cao cấp, công nghiệp, cơ khí vận tải thủy và Cụm công nghiệp Thiên Tôn với diện tích 50 ha, các lĩnh vực sản xuất chính gồm: công nghiệp dệt may, gia công chế biến hàng thủ công mỹ nghệ và các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm.

1.3.4. Về phát triển du lịch:

Trong những năm qua, ngành du lịch của huyện có bước phát mạnh mẽ và đóng vai trò mũi nhọn trong chiến lược định hướng phát triển dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của các di tích quốc gia đặc biệt và giá trị nổi bật toàn cầu của của các danh thắng trên địa bàn.

Huyện Hoa Lư có 02 di tích quốc gia đặc biệt là kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư và Danh lam thắng cảnh Tràng An, Tam Cốc – Bích Động quy hoạch chung thành Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới năm 2014 với tổng diện tích 12.252 ha, cùng hàng loạt các lễ hội, di tích, điểm tham quan thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước.

Như vậy, huyện Hoa Lư có vị trí, dư địa và tiềm năng rất lớn trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đô thị, dịch vụ - thương mại, du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, lễ hội; sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, có tiềm năng phát triển, hình thành đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Tây của thành phố Ninh Bình; đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy quan trọng có vị trí trung gian kết nối các trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ; có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, quốc phòng, an ninh của tỉnh Ninh Bình nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước nói chung. Theo đó, khi hợp nhất huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu lại tổ chức, phân bố không gian phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các khu dân cư nông thôn; hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung nhằm phát triển thành phố hình thành sau sắp xếp trở thành thành phố trực thuộc tỉnh với định hướng là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”, gắn với tập trung phát triển du lịch - dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để thành phố trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.

1.4. Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư xuất phát từ truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương:

Tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư nói riêng là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời. Trong suốt mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, vùng đất Ninh Bình luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những cuộc trường chinh vào Nam, ra Bắc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của người Việt. Thế kỷ thứ X (năm 968), vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc; là vùng đất gắn với 06 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý với nhiều dấu ấn lịch sử. Đến nay, nơi đây còn lưu giữ được đậm đặc trầm tích lịch sử và dấu ấn văn hóa đặc sắc, cùng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tự nhiên đã tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới năm 2014. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), tỉnh Ninh Bình được thành lập, là một trong 13 tỉnh ở Bắc Kỳ với 06 huyện: Yên Khánh, Nho Quan, Kim Sơn, Gia Khánh, Gia Viễn và Yên Mô. Ngày 27/12/1975, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc hợp nhất một số tỉnh. Theo đó, hợp nhất tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh; thị xã Ninh Bình được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Ninh Bình.

Ngày 27/4/1977, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 125-CP về việc hợp nhất và điều chỉnh đại giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Theo đó, hợp nhất huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình thành một huyện lấy tên là huyện Hoa Lư. Thị xã Ninh Bình chuyển thành thị trấn huyện lỵ của huyện Hoa Lư. Ngày 09/4/1981, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 151-CP về một số ĐVHC cấp huyện và thị xã thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Theo đó, tách thị trấn Ninh Bình của huyện Hoa Lư để thành lập thị xã Ninh Bình. Ngày 17/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 200-HĐBT; theo đó, sáp nhập xã Ninh Thành của huyện Hoa Lư (trừ 20 ha đất của thôn Phúc Am) vào thị xã Ninh Bình quản lý.

Ngày 26/12/1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh; theo đó, chia tỉnh Hà Nam Ninh thành 02 tỉnh, lấy tên là tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình. Tỉnh Ninh Bình có 07 ĐVHC gồm 02 thị xã (Ninh Bình, Tam Điệp) và 05 huyện (Hoa Lư, Tam Điệp, Gia Viễn, Hoàng Long, Kim Sơn).

Ngày 02/11/1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 69-CP; ngày 09/01/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2004/NĐ-CP; theo đó, thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính giữa thị xã Ninh Bình và huyện Hoa Lư để mở rộng thị xã Ninh Bình. Ngày 07/02/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP; theo đó, thành lập thành phố Ninh Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên với dân số và các ĐVHC cấp xã trực thuộc của thị xã Ninh Bình. Từ đó, địa giới ĐVHC thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư ổn định cho đến ngày nay.

Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư đã nhiều lần chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới ĐVHC với nhau; là khu vực gắn liền với nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, nên huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình có chung các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của vùng Cố đô. Việc sáp hợp nhất huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư nhằm tiếp nối truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất này.

1.5. Sự phù hợp với các định hướng quy hoạch và phát triển đô thị:

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, xác định mục tiêu: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc. Trong đó, định hướng rõ đến năm 2025, thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp ĐVHC cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất ĐVHC mới sau hợp nhất là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”. Cùng với đó, hoàn thiện các tiêu chí công nhận ĐVHC mới sau hợp nhất (thành phố Hoa Lư) là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, xác định tính chất đô thị Ninh Bình là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh Ninh Bình; là trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ; có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng và an ninh. Trong đó, phạm vi lập quy hoạch có diện tích 21.052 ha, bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; xã Sơn Lai và xã Sơn Hà thuộc huyện Nho Quan; một phần địa giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp).

Nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quốc gia, vùng và các dự án có liên quan; khai thác tốt các thế mạnh sẵn có, hướng tới phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An; đáp ứng yêu cầu mới thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai. Tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và các yêu cầu phát triển ở giai đoạn tiếp theo; là cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực đô thị và hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung của đô thị theo quy hoạch.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho công tác đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị theo tiêu chí đô thị loại I, hướng đến đưa đô thị thành lập mới sau sắp xếp (đô thị hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư) trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn đến năm 2030 theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tiến hành lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 và được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình thông qua tại Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 07/6/2024, trong đó phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch chung gồm phạm vi đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 và bổ sung mở rộng khu vực lập quy hoạch về phía Tây đến khu vực sông Bến Đang và Quốc lộ 12B bao gồm toàn bộ địa giới thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Sơn Lai, xã Sơn Hà và xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thành phố Tam Điệp.

Khu vực nội thị của đô thị Ninh Bình được mở rộng bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Ninh Bình hiện hữu và toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã, thị trấn thuộc huyện Hoa Lư, gồm: Thiên Tôn, Ninh Giang, Ninh Hải, Ninh Mỹ, Ninh Thắng và Ninh Xuân, được sắp xếp trên cơ sở nguyên trạng các ĐVHC cấp xã để thành lập thành phố Hoa Lư với 15 phường nội thị và 05 xã ngoại thị, đồng thời tiếp tục tập trung huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị trên địa bàn thành phố Hoa Lư nói chung và các phường dự kiến hình thành sau sắp xếp nói riêng.

Như vậy, từ những lý do cụ thể nêu trên, việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là nhu cầu tất yếu và thật sự cần thiết để mở rộng phạm vi quản lý của chính quyền đô thị thay cho chính quyền nông thôn hiện hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền cơ sở đối với khu vực đang trong quá trình đô thị hóa cao; tạo dư địa, điều kiện để mở rộng không gian phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh; góp phần tăng quy mô ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị. Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư nhằm tiếp nối truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất này, đảm bảo các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của vùng Cố đô, gắn với định hướng phát triển là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”, tạo điều kiện tập trung phát triển du lịch - dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để thành phố trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.

Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư là phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đảm bảo tiêu chuẩn của ĐVHC (thành phố thuộc tỉnh) và phù hợp với các chương trình, định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, việc thành lập thành phố Hoa Lư có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, góp phần tăng cường và củng cố hơn nữa vị thế chiến lược trong thế trận phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn; đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của đô thị vì mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, điều kiện sống cho người dân trên địa bàn; đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Hoa Lư nói riêng.

2. Sự cần thiết sắp xếp các ĐVHC cấp xã và thành lập các phường trực thuộc thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

2.1. Sự cần thiết sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc thành phố Hoa Lư:

Quá trình thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình diễn ra qua nhiều giai đoạn, việc hình thành các ĐVHC mới đã thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở được đầu tư, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng tốt và gần dân, sát với dân hơn, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do yêu cầu quá trình đô thị hóa các vùng nông thôn đã thành lập mới các ĐVHC đô thị nhằm xây dựng mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh.

Thực tế cho thấy, các ĐVHC sau khi chia, tách, thành lập mới, được tập trung quan tâm đầu tư đúng hướng, phát huy được thế mạnh của địa phương, kinh tế - xã hội các ĐVHC sau thành lập phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã dẫn đến một số bất cập và hạn chế như: việc tăng số lượng ĐVHC cấp xã dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức; tăng chi ngân sách nhà nước do tăng biên chế và quỹ tiền lương, xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị và tăng chi thường xuyên. Việc tăng số lượng ĐVHC cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phân tán các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương,... đặc biệt là việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC mới đã dẫn đến nhiều ĐVHC không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.

Các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ, bao gồm: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, quy định, kế hoạch cụ thể của việc sắp xếp ĐVHC, khuyến khích địa phương thực hiện nhập ĐVHC để tạo đột phá, động lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Hoa Lư hình thành sau khi hợp nhất huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình nói riêng.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; đối chiếu với tiêu chuẩn của ĐVHC quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC; các số liệu tính đến ngày 31/12/2022, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Ninh Bình có 34 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp, bao gồm 29 xã, 02 phường và 03 thị trấn. Trong đó, khu vực thành phố Hoa Lư hình thành sau khi hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình có 06/25 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp, bao gồm 03 xã, 02 phường và 01 thị trấn. Qua rà soát, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị; Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình phát triển đô thị, định hướng quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình thực hiện nghiêm việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp với các ĐVHC cùng cấp liền kề theo quy định, với phương án cụ thể như sau:

- Nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phúc Thành, phường Vân Giang và phường Thanh Bình để thành lập phường Vân Giang.

- Nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ninh Mỹ và thị trấn Thiên Tôn.

- Nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ninh Nhất và xã Ninh Xuân.

- Nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ninh Hải và xã Ninh Thắng.

(Sau khi sắp xếp, thành phố Hoa Lư có 20 ĐVHC cấp xã, gồm 10 xã, 09 phường và 01 thị trấn).

Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình nhằm thực hiện các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh; nhằm mở rộng quy mô, không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị; có điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững; tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn, gắn với quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử của vùng Cố đô, hướng đến “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.

Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là thực sự cần thiết, đảm bảo phù hợp với các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của các ĐVHC cấp xã có liên quan; đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đúng theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ; phù hợp với các định hướng quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các ĐVHC cấp xã sau khi sắp xếp đều đảm bảo tiêu chuẩn của ĐVHC tương ứng theo quy định; đảm bảo sự tiếp nối sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của giai đoạn 2023-2025 với giai đoạn 2026-2030 và được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ. Việc sắp xếp ĐVHC tuy bước đầu phần nào có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng với truyền thống đoàn kết dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương, chắc chắn đời sống của người dân sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

2.2. Sự cần thiết thành lập các phường mới thuộc thành phố Hoa Lư:

2.2.1. Quy định của pháp luật về tổ chức ĐVHC:

Điều 110 Hiến pháp năm 2013 quy định: Các ĐVHC của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và ĐVHC tương đương; huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã”.

Theo phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình, sau sắp xếp thành phố sau thành lập mới (thành phố Hoa Lư) có 20 ĐVHC cấp xã, bao gồm 10 xã, 09 phường và 01 thị trấn. Như vậy, việc tổ chức ĐVHC cấp xã thuộc thành phố Hoa Lư là chưa phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tỷ lệ số phường trên tổng số ĐVHC cấp xã thuộc thành phố chưa đảm bảo theo quy định (từ 65% trở lên) tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC.

Do đó, căn cứ hiện trạng phát triển, tốc độ đô thị hóa và các chương trình phát triển đô thị, định hướng quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình dự kiến thành lập thêm 06 phường thuộc thành phố Hoa Lư hình thành sau sắp xếp, bao gồm: Ninh Phúc, Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Giang, Ninh Hải và Ninh Mỹ. Việc thành lập các phường thuộc thành phố Hoa Lư là cần thiết để đảm bảo việc tổ chức ĐVHC cấp xã thuộc thành phố theo đúng Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định hiện hành của pháp luật.

2.2.2. Vị trí, hiện trạng phát triển:

Khu vực các xã, thị trấn: Ninh Phúc, Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Giang, Ninh Hải và Thiên Tôn là 06 trong 20 ĐVHC cấp xã thuộc thành phố Hoa Lư hình thành sau sắp xếp, có địa hình tương đối bằng phẳng, điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông phát triển động bộ, hiện đại; tiếp giáp liền kề với các phường nội thị hiện hữu, nên trong những năm qua, cùng với sự phát triển của tỉnh Ninh Bình và khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư nói chung, khu vực các xã, thị trấn: Ninh Phúc, Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Giang, Ninh Hải, Thiên Tôn kinh tế - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của địa phương; công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, xã hội được quan tâm thường xuyên và đạt được nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và không ngừng nâng cao; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Địa bàn các xã, thị trấn là nơi thu hút các dự án đầu tư phát triển kinh tế, là nơi tập trung nhiều khu - cụm công nghiệp, khu du lịch, các di tích lịch sử - văn hóa, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn,... đặc biệt là 03 di tích quốc gia đặc biệt gồm hang động Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - chùa Bích Động và Cố đô Hoa Lư quy hoạch chung thành Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới năm 2014 với tổng diện tích khoảng 12.252 ha, cùng hàng loạt các lễ hội, di tích, điểm tham quan, hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình phát triển đô thị, từng bước hình thành lối sống đô thị, góp phần làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị của tỉnh Ninh Bình, khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư nói chung và các xã, thị trấn trực thuộc nói riêng.

2.2.3. Định hướng quy hoạch và phát triển đô thị:

Phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch chung gồm phạm vi đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 và bổ sung mở rộng khu vực lập quy hoạch về phía Tây đến khu vực sông Bến Đang và Quốc lộ 12B bao gồm toàn bộ địa giới thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Sơn Lai, xã Sơn Hà và xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thành phố Tam Điệp. Khu vực nội thị của đô thị Ninh Bình được mở rộng bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Ninh Bình hiện hữu và toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã, thị trấn thuộc huyện Hoa Lư, gồm: Thiên Tôn, Ninh Giang, Ninh Hải, Ninh Mỹ, Ninh Thắng và Ninh Xuân, được sắp xếp trên cơ sở nguyên trạng các ĐVHC cấp xã để thành lập thành phố Hoa Lư với 15 phường nội thị và 05 xã ngoại thị.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo lập và phê duyệt Chương trình phát triển cho đô thị Ninh Bình; từng bước lập và phê duyệt quy hoạch phân khu cho các xã thị trấn: Ninh Nhất, Ninh Phúc, Ninh Tiến, Ninh Giang, Ninh Hải, Ninh Mỹ, Ninh Thắng, Ninh Xuân và Thiên Tôn, đồng thời tiếp tục tập trung huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị trên địa bàn thành phố Hoa Lư và các phường dự kiến thành lập.

2.2.4. Về công tác quản lý:

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cùng với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao trên địa bàn khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư nói chung và khu vực các xã, thị trấn: Ninh Phúc, Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Giang, Ninh Hải và Thiên Tôn nói riêng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là ngành thương mại - dịch vụ và du lịch đã kéo theo lượng lớn lao động từ các địa phương khác tới làm việc, sinh sống và lượng rất lớn khách du lịch, tham quan trong và ngoài nước đến với địa bàn làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng như: nhà ở, giao thông, y tế,… đồng thời tạo ra những khó khăn, phát sinh nhiều bất cập trong quản lý của chính quyền địa phương như: quản lý kinh tế; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của các di sản văn hóa, di tích lịch sử; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; phòng chống các tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường,... mô hình quản lý chính quyền nông thôn như hiện nay không còn phù hợp, đòi hỏi sự ra đời của một bộ máy chính quyền đô thị (phường thuộc thành phố) nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển của địa phương.

Do đó, việc thành lập 06 phường: Ninh Phúc, Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Giang, Ninh Hải và Ninh Mỹ thuộc thành phố Hoa Lư là thật sự cần thiết, phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh trên địa bàn các xã, thị trấn trong thời gian qua; tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, giải quyết các bất cập bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương; phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tiêu chuẩn ĐVHC quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phù hợp với các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; là nguyện vọng thiết tha của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; góp phần tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thành phố Hoa Lư nói chung và các xã, thị trấn nói riêng.

III. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ TÍNH CHẤT, VAI TRÒ CHỨC NĂNG

1. Thành phố Ninh Bình

1.1. Vị trí địa lý

Thành phố Ninh Bình nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội 90 km theo Quốc lộ 1A về phía Bắc, cách thành phố Nam Định 28 km, tỉnh Quảng Ninh 110 km theo Quốc lộ 10, Quốc lộ 38B về phía Đông Bắc, cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Nam. Có vị trí địa lý, như sau:

- Phía Đông giáp huyện Yên Khánh và tỉnh Nam Định.

- Phía Tây giáp huyện Hoa Lư.

- Phía Nam giáp huyện Hoa Lư và huyện Yên Khánh.

- Phía Bắc giáp huyện Hoa Lư và tỉnh Nam Định.

1.2. Tính chất, vai trò chức năng

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ, đồng thời là cửa ngõ phía Đông Nam của vùng thủ đô Hà Nội, thành phố Ninh Bình là đầu mối giao thông quan trọng trong hệ thống các tuyến giao thông huyết mạch về đường bộ, đường sắt và đường thủy của Quốc gia. Về giao thông đường bộ, thành phố là một đỉnh của tam giác giao thông Hà Nội - Hải Phòng - Ninh Bình, với 03 tuyến đường quốc lộ quan trọng gồm tuyến Quốc lộ 1A nối Ninh Bình với Thủ đô Hà Nội, tuyến Quốc lộ 38B nối Ninh Bình - Hải Dương - Nam Định, tuyến Quốc lộ 10 nối Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Đặc biệt, thành phố Ninh Bình còn là đầu mối giao thông của 03 tuyến dường cao tốc gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh và Ninh Bình - Hải Phòng - Hạ Long. Về giao thông đường sắt, trên địa bàn thành phố có ga Ninh Bình và tuyến đường sắt Quốc gia Bắc - Nam chạy qua với tổng chiều dài 7 km, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa từ thành phố đi khắp các vùng, miền của đất nước. Trong tương lai, khi dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được triển khai đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với điểm dừng tại trung tâm thành phố sẽ góp phần tăng cường năng lực vận tải giao thông bằng đường sắt. Về giao thông đường thủy, thành phố có cảng Ninh Bình, cảng Ninh Phúc nối thông ra biển qua cửa sông Đáy. Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ và hiện đại, tạo điều kiện rất thuận lợi cho tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Ninh Bình nói riêng trong việc đi lại, giao thương hàng hóa và giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, cả nước và quốc tế.

Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, xác định tính chất đô thị Ninh Bình là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh Ninh Bình; là trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ; có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng và an ninh. Trong đó, phạm vi lập quy hoạch có diện tích 21.052 ha, bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; xã Sơn Lai và xã Sơn Hà thuộc huyện Nho Quan; một phần địa giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp).

Để cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quốc gia, vùng và các dự án có liên quan; khai thác tốt các thế mạnh sẵn có, hướng tới phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An; đáp ứng yêu cầu mới thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai. Tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và các yêu cầu phát triển ở giai đoạn tiếp theo; là cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực đô thị và hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung của đô thị theo quy hoạch. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho công tác đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị theo tiêu chí đô thị loại I, hướng đến đưa đô thị Ninh Bình (đô thị hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư) trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn đến năm 2030 theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tiến hành lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 và được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình thông qua tại Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 07/6/2024, trong đó phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch chung gồm phạm vi đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 và bổ sung mở rộng khu vực lập quy hoạch về phía Tây đến khu vực sông Bến Đang và Quốc lộ 12B bao gồm toàn bộ địa giới thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Sơn Lai, xã Sơn Hà và xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thành phố Tam Điệp.

1.3. Đơn vị hành chính

Thành phố Ninh Bình có 14 ĐVHC cấp xã trực thuộc, bao gồm 11 phường và 03 xã, trong đó:

 

Stt

Tên ĐVHC

Diện tích tự nhiên

(Km2)

Quy mô dân số

(Người)

1

Phường Bích Đào

2,26

12.942

2

Phường Đông Thành

1,81

12.455

3

Phường Nam Bình

1,83

11.619

4

Phường Nam Thành

1,91

12.034

5

Phường Ninh Khánh

5,37

13.281

6

Phường Ninh Phong

5,41

9.554

7

Phường Ninh Sơn

4,69

12.029

8

Phường Phúc Thành

1,04

14.150

9

Phường Tân Thành

1,75

10.861

10

Phường Thanh Bình

1,57

12.865

11

Phường Vân Giang

0,35

6.934

12

Xã Ninh Nhất

7,26

7.256

13

Xã Ninh Phúc

6,30

11.153

14

Xã Ninh Tiến

5,18

7.463

1.4. Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Ninh Bình nói riêng, thành phố Ninh Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế duy trì ổn định và có bước phát triển, hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư; công tác trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường được tập trung chỉ đạo đã có nhiều chuyển biến; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện có hiệu quả; chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được nâng cao; công tác chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân thành phố được tập trung quyết liệt, chỉ số năng lực cạnh tranh đứng thứ nhất trong khối các huyện, thành phố; công tác chuyển đổi số triển khai đạt hiệu quả, thành phố xếp thứ nhất về mức độ chuyển đổi số; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quốc phòng địa phương được tăng cường. Tổ chức tốt các hoạt động chào mừng các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội của đất nước, của tỉnh và thành phố.

1.4.1. Về phát triển kinh tế:

- Tăng trưởng kinh tế: Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực và tỉnh có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân thành phố Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, văn bản của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo từng tháng, từng quý nên hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố phục hồi tích cực, đời sống người dân, thu nhập người lao động không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) năm 2023 của thành phố đạt 62.491 tỷ đồng, tăng 9,23% so với năm 2022. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 33.605 tỷ đồng, tăng 1,98%; thương mại - dịch vụ đạt 28.732 tỷ đồng, tăng 19,21%; nông - lâm - thủy sản đạt 154 tỷ đồng, giảm 2,53% so với năm 2022. Giai đoạn 2021 - 2023 kinh tế của thành phố tăng trưởng bình quân đạt 8,86%, trong đó năm 2021 giảm 3,72%, năm 2022 tăng 21,08% và năm 2023 tăng 9,23%.

Giá trị sản xuất các ngành của thành phố Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2023:

Chỉ tiêu/năm

2021

2022

2023

GTSX theo giá so sánh 2010 (tỷ đồng)

47.253

57.212

62.491

Thương mại - Dịch vụ

17.789

24.102

28.732

Công nghiệp - Xây dựng

29.317

32.952

33.605

Nông - Lâm - Thủy sản

147

158

154

GTSX theo giá hiện hành (tỷ đồng)

76.604

94.702

104.972

Thương mại - Dịch vụ

29.174

40.410

48.269

Công nghiệp - Xây dựng

47.200

54.042

56.456

Nông - Lâm - Thủy sản

230

250

247

- Cơ cấu kinh tế: Chuyển dịch theo đúng định hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản. Năm 2023, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 53,78%; thương mại - dịch vụ chiếm 45,98%; nông - lâm - thủy sản chiếm 0,24% trong cơ cấu kinh tế của thành phố Ninh Bình.

Cơ cấu kinh tế của thành phố Ninh Bình giai đoạn 2021-2023:

Chỉ tiêu/năm

2021

2022

2023

Thương mại - Dịch vụ (%)

37,65

42,13

45,98

Công nghiệp - Xây dựng (%)

62,04

57,60

53,78

Nông - Lâm - Thủy sản (%)

0,31

0,27

0,24

1.5. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách

Trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Ninh Bình thường xuyên được củng cố, tăng cường. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả. Công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, công tác dân vận của các cấp ủy đảng được tăng cường, tạo nhiều chuyển biến. Trong đó, tập trung chỉ đạo Mặt trận tổ quốc, đoàn thể và các tổ chức hội tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước và những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tạo được sự đồng thuận cao trong đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Hoạt động của Hội đồng nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện tốt vai trò giám sát, tiếp xúc cử tri và các kỳ họp, nghị quyết ban hành có chất lượng và khả thi. Công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân có nhiều đổi mới, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, thu ngân sách và giải quyết vốn đầu tư, mặt bằng cho các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Ninh Bình.

1.5.1. Khối Đảng, Mặt trận và Đoàn thể chính trị xã hội thành phố:

Thành phố Ninh Bình có 11 phường và 03 xã; có 183 thôn, tổ dân phố (30 thôn và 153 tổ dân phố). Đảng bộ thành phố có 69 tổ chức cơ sở đảng, tổng số 11.245 đảng viên.

a) Thành ủy:

- Thường trực Thành ủy: 02 người, gồm Bí thư Thành ủy và Phó Bí thư Thành uỷ phụ trách chính quyền.

- Ban Thường vụ Thành ủy có 11 người, gồm: Đồng chí Bí thư Thành ủy; 01 Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố; 01 Phó Chủ tịch HĐND; 02 Phó Chủ tịch UBND thành phố; Trưởng Công an thành phố, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thành phố; Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Ban Dân vận, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy.

- Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025: Theo Đề án Đại hội có 41 ủy viên, hiện nay có 40 ủy viên.

b) Các Ban xây dựng Đảng, Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Thành ủy:

- Ban Tổ chức Thành ủy: 05 người.

- Ủy ban Kiểm tra Thành ủy: 05 người.

- Ban Tuyên giáo Thành ủy: 04 người.

- Ban Dân vận Thành ủy: 05 người.

- Văn phòng Thành ủy: 07 người (trong đó có đồng chí Bí thư).

Tổng hợp số lượng cán bộ, công chức Thành ủy như sau:

Stt

Đơn vị

Tổng số hiện có

Cấp trưởng

Cấp phó

Công chức

 

Tổng cộng

26

06

10

10

1

Thường trực Thành ủy

01

01

0

0

2

Ban Tổ chức Thành uỷ

05

01

02

02

3

Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ

05

01

02

02

4

Ban Tuyên giáo Thành uỷ

04

01

02

01

5

Ban Dân vận Thành uỷ

05

01

02

02

6

Văn phòng Thành ủy

06

01

02

03

c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố có: Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 02 Uỷ viên Thường trực.

- Tổ chức chính trị - xã hội thành phố, gồm: 05 tổ chức (Liên đoàn Lao động, Thành đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh).

- Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy: Trung tâm Chính trị thành phố.

Tổng hợp số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động:

Stt

Đơn vị

Tổng số hiện có

Cấp trưởng

Cấp phó

Công chức

Viên chức

 

Tổng cộng

23

05

08

08

02

1

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc

04

01

01

02

0

2

Thành đoàn

03

0

01

02

0

3

Hội Liên hiệp phụ nữ

03

01

01

01

0

4

Hội Nông dân

03

01

01

01

0

5

Hội Cựu chiến binh

03

01

01

01

0

6

Liên đoàn Lao động

03

01

01

01

0

7

Trung tâm chính trị

04

Kiêm nhiệm

02

0

02

1.5.2. Khối chính quyền địa phương:

a) Hội đồng nhân dân thành phố:

- HĐND thành phố khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 32 đại biểu (hiện tại còn 28 đại biểu).

- Thường trực Hội đồng nhân dân có 04 thành viên gồm: Bí thư Thành ủy là Chủ tịch HĐND thành phố, 01 Phó Chủ tịch HĐND và 02 Phó Trưởng Ban (Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - xã hội).

b) Ủy ban nhân dân thành phố:

Ủy ban nhân dân thành phố có 18 thành viên UBND, gồm: Chủ tịch UBND, 03 Phó Chủ tịch UBND và 12 thành viên khác là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, Trưởng Công an thành phố, Chỉ huy trưởng Quân sự.

c) Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố:

- Cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố: 12 cơ quan gồm: Văn phòng HĐND-UBND thành phố; Phòng Y tế; Phòng Giáo dục - Đào tạo; Phòng Nội vụ; Thanh tra; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Văn hóa - Thông tin; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Kinh tế; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Tư pháp.

- Tổng số biên chế: 77 người; số có mặt đến thời điểm hiện tại: 74 người

Tổng số cán bộ, công chức và người lao động UBND thành phố như sau:

Stt

Đơn vị

Tổng số hiện có

Cấp trưởng

Cấp phó

Công chức

 

Tổng cộng

74

13

28

33

1

Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND

01

0

01

0

2

Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND

04

01

03

0

3

Ban Kinh tế - Xã hội

01

0

01

0

4

Ban Pháp Chế

01

0

01

0

5

Văn phòng HĐND-UBND

07

01

03

03

6

Phòng Nội vụ

05

01

02

02

7

Phòng Tư pháp

03

01

01

01

8

Phòng Tài chính - Kế hoạch

07

01

02

04

9

Phòng Tài nguyên và MT

07

01

02

04

10

Phòng Lao động – TB&XH

04

01

02

01

11

Phòng Văn hóa và Thông tin

04

01

01

02

12

Phòng Y tế

03

01

01

01

13

Thanh tra

05

01

01

03

14

Phòng Quản lý đô thị

08

01

03

04

15

Phòng Giáo dục và Đào tạo

09

01

03

05

16

Phòng Kinh tế

05

01

01

03

1.5.3. Các đơn vị sự nghiệp Ủy ban nhân dân thành phố:

- Các đơn vị sự nghiệp Ủy ban nhân dân thành phố, gồm:

+ Sự nghiệp giáo dục: có 41 trường học công lập trực thuộc. Tổng số người làm việc hiện có là 1.427 người.

+ Sự nghiệp khác: có 05 đơn vị gồm: Trung tâm dịch vụ nông nghiệp; Đội kiểm tra trật tự đô thị; Trung tâm Văn hoá – Thể thao và Truyền thanh; Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố; Ban giải phóng mặt bằng và tái định cư).

Ngoài ra, còn có viên chức làm việc tại các vị trí và các Hội đặc thù được giao biên chế (Hội Chữ thập đỏ). Tổng số người làm việc sự nghiệp khác tính đến thời điểm hiện tại là 49 người.

Tổng hợp số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp khác như sau:

Stt

Đơn vị

Tổng số người làm việc hiện có

Cấp trưởng

Cấp phó

Viên chức

Lao động hợp đồng

 

Tổng cộng

113

05

09

35

64

1

Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao

22

01

02

09

10

2

Đội Kiểm tra trật tự đô thị

23

01

0

03

19

3

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp

16

01

01

12

02

4

Ban quản lý dự án đầu tư XD

29

0

02

05

22

5

Ban giải phóng mặt bằng và tái định cư

21

01

03

06

11

6

Hội Chữ thập đỏ

02

01

01

0

0

1.6. Khối ĐVHC cấp xã

Gồm có 14 xã, phường với tổng số cán bộ, công chức, viên chức tính đến thời điểm hiện tại là 267 người.

1.7. Các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn thành phố

Tổng số các cơ quan ngành dọc của tỉnh, Trung ương đóng trên địa bàn thành phố có 08 đơn vị, gồm: (1) Công an thành phố, (2) Ban Chỉ huy quân sự thành phố, (3) Viện kiểm sát nhân dân thành phố, (4) Tòa án nhân dân thành phố, (5) Chi cục Thi hành án dân sự thành phố, (6) Chi cục thuế khu vực Ninh Bình - Hoa Lư, (7) Chi Cục Thống kê khu vực Ninh Bình - Hoa Lư, (8) Trung tâm Y tế thành phố.

1.8. Các phường xã liên quan đến sắp xếp ĐVHC

1.8.1. Phúc thành:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân phường Phúc Thành nhiệm kỳ 2021-2026 có 21 đại biểu (hiện có 20 đại biểu). Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 14 người, chiếm 70%; cao đẳng là 04 người, chiếm 20%; trung cấp là 02 người, chiếm 10%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 01 người, chiếm 5%; trung cấp là 13 người, chiếm 65%; sơ cấp là 06 người, chiếm 30%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

b) Cán bộ, công chức:

Tổng số cán bộ, công chức là 19 người, gồm cán bộ 10 người và công chức 09 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 18 người, chiếm 95%; cao đẳng là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 01 người, chiếm 5%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 01 người, chiếm 5,25%; trung cấp là 17 người, chiếm 89,47%; sơ cấp là 01 người, chiếm 5,25%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở phường là 08 người và ở 15 tổ dân phố là 32 người.

1.8.2. Phường Vân Giang:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân phường Vân Giang nhiệm kỳ 2021-2026 có 21 đại biểu (hiện có 18 đại biểu). Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 16 người, chiếm 89%; cao đẳng là 01 người, chiếm 5,5%; trung cấp là 01 người, chiếm 5,5%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 02 người, chiếm 11,1%; trung cấp là 15 người, chiếm 83,3%; sơ cấp là 01 người, chiếm 5,6%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

b) Cán bộ, công chức:

Tổng số cán bộ, công chức là 17 người, gồm cán bộ 09 người và công chức 08 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 16 người, chiếm 94,1%; cao đẳng 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 01 người, chiếm 5,9%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 01 người, chiếm 5,9%; trung cấp là 16 người, chiếm 94,1%; sơ cấp là 0 người, chiếm 0%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở phường là 06 người và ở 14 tổ dân phố là 31 người.

1.8.3. Phường Thanh Bình:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân phường Thanh Bình nhiệm kỳ 2021-2026 có 21 đại biểu (hiện có 19 đại biểu). Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 17 người, chiếm 89,5%; cao đẳng là 01 người, chiếm 5,25%; trung cấp là 01 người, chiếm 5,25%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 18 người, chiếm 94,7%; sơ cấp là 01 người, chiếm 5,3%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

b) Cán bộ, công chức:

Tổng số cán bộ, công chức là 22 người, gồm cán bộ 10 người và công chức 12 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 21 người, chiếm 95,45%; cao đẳng là 01 người, chiếm 4,5%; trung cấp là 0 người, chiếm 0%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 21 người, chiếm 95,45%; sơ cấp là 01 người, chiếm 4,5%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở phường là 04 người và ở 18 tổ dân phố là 36 người.

1.8.4. Xã Ninh Phúc:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân xã Ninh Phúc nhiệm kỳ 2021-2026 có 26 đại biểu (hiện có 24 đại biểu). Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 14 người, chiếm 58,3%; cao đẳng là 05 người, chiếm 20,8%; trung cấp là 05 người, chiếm 20,8%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 01 người, chiếm 4,2%; trung cấp là 13 người, chiếm 54,2%; sơ cấp là 10 người, chiếm 41,7%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

b) Cán bộ, công chức:

Tổng số cán bộ, công chức là 18 người, gồm cán bộ 10 người và công chức 08 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 16 người, chiếm 89%; cao đẳng là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 02 người, chiếm 11%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 02 người, chiếm 11%; trung cấp là 12 người, chiếm 66,67%; sơ cấp là 04 người, chiếm 22,33%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở xã là 09 người và ở 11 thôn là 33 người.

1.8.5. Xã Ninh Tiến:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân xã Ninh Tiến nhiệm kỳ 2021-2026 có 25 đại biểu (hiện có 24 đại biểu). Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 14 người, chiếm 58,33%; cao đẳng là 02 người, chiếm 8,33%; trung cấp là 03 người, chiếm 12,5%, trình độ khác là 03 người, chiếm 12,5%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 13 người, chiếm 52%; sơ cấp là 11 người, chiếm 45,83%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

b) Cán bộ, công chức:

Tổng số cán bộ, công chức là 19 người, gồm cán bộ 10 người và công chức 09 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 19 người, chiếm 100%; cao đẳng là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 0 người, chiếm 0%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 18 người, chiếm 94,74%; sơ cấp là 01 người, chiếm 5,26%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở xã là 06 người và ở 09 thôn là 18 người.

1.8.5. Xã Ninh Nhất:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân xã Ninh Nhất nhiệm kỳ 2021-2026 có 23 đại biểu (hiện có 20 đại biểu). Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 10 người, chiếm 50%; cao đẳng là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 06 người, chiếm 30%, trình độ khác là 04 người, chiếm 20%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 01 người, chiếm 5%; trung cấp là 09 người, chiếm 45%; sơ cấp là 05 người, chiếm 25%; chưa qua đào tạo là 05 người, chiếm 25%.

b) Cán bộ, công chức:

Tổng số cán bộ, công chức là 19 người, gồm cán bộ 10 người và công chức 09 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 18 người, chiếm 94,73%; cao đẳng là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 01 người, chiếm 5,27%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 01 người, chiếm 5,25%; trung cấp là 17 người, chiếm 89,5%; sơ cấp là 01 người, chiếm 5,25%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở xã là 07 người và ở 10 thôn là 30 người.

2. Huyện Hoa Lư

2.1. Vị trí địa lý

Huyện Hoa Lư nằm ở trung tâm của tỉnh Ninh Bình, nằm giữa thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 8 km về phía Tây theo Quốc lộ 38B, cách Thủ đô Hà Nội 85 km về phía Nam theo Quốc lộ 1A. Có địa giới hành chính, cụ thể như sau:

- Phía Đông giáp thành phố Ninh Bình và huyện Yên Khánh;

- Phía Tây giáp huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan;

- Phía Nam giáp thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô;

- Phía Bắc giáp tỉnh Nam Định.

2.2. Tính chất, vai trò chức năng

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, xác định mục tiêu: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc. Trong đó, định hướng rõ đến năm 2025, thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp ĐVHC cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất ĐVHC mới sau hợp nhất là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”. Cùng với đó, hoàn thiện các tiêu chí công nhận ĐVHC mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, xác định tính chất đô thị Ninh Bình là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh Ninh Bình; là trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ; có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng và an ninh. Trong đó, phạm vi lập quy hoạch có diện tích 21.052 ha, bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; xã Sơn Lai và xã Sơn Hà thuộc huyện Nho Quan; một phần địa giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp).

Nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quốc gia, vùng và các dự án có liên quan; khai thác tốt các thế mạnh sẵn có, hướng tới phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An; đáp ứng yêu cầu mới thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai. Tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và các yêu cầu phát triển ở giai đoạn tiếp theo; là cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực đô thị và hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung của đô thị theo quy hoạch.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho công tác đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị theo tiêu chí đô thị loại I, hướng đến đưa đô thị Ninh Bình (đô thị hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư) trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn đến năm 2030 theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tiến hành lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 và được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình thông qua tại Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 07/6/2024, trong đó phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch chung gồm phạm vi đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 và bổ sung mở rộng khu vực lập quy hoạch về phía Tây đến khu vực sông Bến Đang và Quốc lộ 12B bao gồm toàn bộ địa giới thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Sơn Lai, xã Sơn Hà và xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thành phố Tam Điệp.

2.3. Đơn vị hành chính

Huyện Hoa Lư hiện có 11 ĐVHC cấp xã trực thuộc, bao gồm 01 thị trấn và 10 xã, trong đó:

Stt

Tên ĐVHC

Diện tích tự nhiên

(Km2)

Quy mô dân số

(Người)

1

Thị trấn Thiên Tôn

2,19

4.817

2

Xã Ninh An

5,50

7.056

3

Xã Ninh Giang

6,47

8.045

4

Xã Ninh Hải

21,90

7.031

5

Xã Ninh Hòa

8,03

7.006

6

Xã Ninh Khang

7,39

8.060

7

Xã Ninh Mỹ

4,06

7.327

8

Xã Ninh Thắng

4,23

4.950

9

Xã Ninh Vân

12,57

12.515

10

Xã Ninh Xuân

9,75

4.826

11

Xã Trường Yên

21,40

11.980

1.4. Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp ảnh hưởng tới tình hình trong nước; thời tiết diễn biến bất thường, giá cả thị trường biến động mạnh, nhất là nguyên nhiên liệu đã tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng Huyện ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; tập trung thực hiện nhất quán, hiệu quả định hướng phát triển kinh tế - xã hội, lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô làm nguồn lực và động lực phát triển nên hoạt động sản xuất, kinh doanh có xu hướng phục hồi tích cực, kinh tế - xã hội của huyện đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, bao gồm: Kinh tế tiếp tục duy trì phát triển ổn định, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp duy trì ổn định, thương mại - dịch vụ tiếp tục tăng trưởng và đóng vai trò quan trọng trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế của huyện; sản xuất lúa vụ Đông Xuân được mùa, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được đẩy mạnh; dịch bệnh được kiểm soát tốt, văn hóa xã hội có tiến bộ; đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2023) và Lễ hội Hoa Lư năm 2023; Tuần du lịch Ninh Bình với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có chuyển biến tích cực; đời sống người dân, thu nhập người lao động được cải thiện và không ngừng nâng cao.

1.4.1. Về phát triển kinh tế:

- Tăng trưởng kinh tế: Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) năm 2023 của huyện Hoa Lư đạt 8.866,78 tỷ đồng, tăng 13,74% so với năm 2022. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 6.321,66 tỷ đồng, tăng 17,64%; thương mại - dịch vụ đạt 2.081,10 tỷ đồng, tăng 5,61%; nông - lâm - thủy sản đạt 464,02 tỷ đồng, tăng 2,75% so với năm 2022. Giai đoạn 2021 - 2023 kinh tế của huyện tăng trưởng bình quân đạt 8,85%, trong đó năm 2021 giảm 8,22%, năm 2022 tăng 21,02% và năm 2023 tăng 13,74%.

Giá trị sản xuất các ngành của huyện Hoa Lư giai đoạn 2021-2023:

Chỉ tiêu/năm

2021

2022

2023

GTSX theo giá so sánh 2010 (tỷ đồng)

6.441,66

7.795,96

8.866,78

Thương mại - Dịch vụ

1.448,76

1.970,64

2.081,10

Công nghiệp - Xây dựng

4.554,49

5.373,71

6.321,66

Nông - Lâm - Thủy sản

438,41

451,61

464,02

GTSX theo giá hiện hành (tỷ đồng)

9.012,28

11.530,82

13.962,29

Thương mại - Dịch vụ

2.156,91

3.030,84

3.388,04

Công nghiệp - Xây dựng

6.221,70

7.842,01

9.894,31

Nông - Lâm - Thủy sản

633,67

657,97

679,94

- Cơ cấu kinh tế: Cơ cấu kinh tế của huyện Hoa Lư chuyển dịch theo đúng định hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản. Năm 2023, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 71,30%; thương mại - dịch vụ chiếm 23,47%; nông - lâm - thủy sản chiếm 5,23% trong cơ cấu kinh tế của thành phố Ninh Bình.

Cơ cấu kinh tế của huyện Hoa Lư giai đoạn 2021 - 2023:

Chỉ tiêu/năm

2021

2022

2023

Thương mại - Dịch vụ (%)

22,49

25,28

23,47

Công nghiệp - Xây dựng (%)

70,70

68,93

71,30

Nông - Lâm - Thủy sản (%)

6,81

5,79

5,23

 

 

1.5. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách

Huyện Hoa Lư có 01 thị trấn và 10 xã; có 91 thôn, tổ dân phố (85 thôn và 06 tổ dân phố). Đảng bộ huyện có 54 tổ chức cơ sở đảng, tổng số 5.199 đảng viên.

1.5.1. Khối Đảng, Mặt trận và Đoàn thể chính trị xã hội:

a) Huyện ủy:

- Thường trực Huyện ủy: 03 người, gồm Bí thư Huyện ủy, 02 Phó Bí thư Huyện ủy (01 Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và 01 Phó Bí thư Huyện ủy phụ trách chính quyền).

- Ban Thường vụ Huyện ủy có 11 người, gồm: Bí thư Huyện ủy, 02 Phó Bí thư (01 Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện, 01 Phó Bí thư - Chủ tịch UBND huyện), 01 Phó Chủ tịch HĐND huyện, 01 Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự, Trưởng Ban Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng Ban Tuyên giáo - Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Chính trị, Trưởng Ban Dân vận.

- Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIII nhiệm kỳ 2020 - 2025: Theo Đề án Đại hội có 35 ủy viên, hiện nay có 35 ủy viên.

b) Các Ban xây dựng Đảng, Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Huyện ủy:

- Ban Tổ chức Huyện ủy:  05 người.

- Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy:  04 người.

- Ban Tuyên giáo Huyện ủy:  06 người.

- Ban Dân vận Huyện ủy: 04 người.

- Văn phòng Huyện ủy: 09 người (trong đó có đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy).

Tổng hợp số lượng cán bộ, công chức và người lao động Huyện ủy như sau:

Stt

Đơn vị

Tổng số hiện có

Cấp trưởng

Cấp phó

Công chức

Lao động hợp đồng

 

Tổng cộng

28

06

10

12

0

1

Thường trực Huyện ủy

02

01

01

0

0

2

Ban Tổ chức

05

01

02

02

0

3

Ủy ban Kiểm tra

04

01

01

02

0

4

Ban Tuyên giáo

06

01

02

03

0

5

Ban Dân vận

04

01

02

01

0

6

Văn phòng Huyện ủy

07

01

02

04

0

c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hoa Lư có 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 01 Uỷ viên Thường trực.

- Tổ chức chính trị xã hội huyện: 05 tổ chức (LĐLĐ huyện, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh).

- Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Huyện ủy: Trung tâm Chính trị huyện.

Tổng hợp số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động:

Stt

Đơn vị

Tổng số hiện có

Cấp trưởng

Cấp phó

Công chức

Viên chức

 

Tổng cộng

22

06

08

05

03

1

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc

03

01

01

01

0

2

Huyện đoàn

02

01

01

0

0

3

Hội Liên hiệp phụ nữ

03

01

01

01

0

4

Hội Nông dân

03

01

01

01

0

5

Hội Cựu chiến binh

03

01

01

01

0

6

Liên đoàn Lao động

03

01

01

01

0

7

Trung tâm chính trị

05

Kiêm nhiệm

02

0

03

1.5.2. Khối Chính quyền địa phương:

a) Hội đồng nhân dân huyện:

- HĐND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 có 28 đại biểu.

- Thường trực Hội đồng nhân dân có 04 thành viên gồm: Phó Bí thư thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện, 01 Phó Chủ tịch HĐND và 02 Trưởng Ban (Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - xã hội).

b) Ủy ban nhân dân huyện:

Ủy ban nhân dân huyện có 16 thành viên Ủy ban nhân dân, gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và 13 thành viên khác là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, Trưởng Công an huyện, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện.

c) Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện:

- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện: 11 cơ quan gồm: Văn phòng HĐND-UBND huyện; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Phòng Nội vụ; Thanh tra; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Văn hóa và Thông tin; Phòng Tài chính và Kế hoạch; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Kinh tế và Hạ tầng; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Tư pháp.

- Tổng số biên chế giao: 68 công chức, 05

 Hợp đồng lao động; số có mặt đến thời điểm hiện tại: 71 người, trong đó: công chức 66 người, hợp đồng lao động 05 người.

Tổng hợp số lượng cán bộ, công chức và người lao động:

Stt

Đơn vị

Tổng số hiện có

Cấp trưởng

Cấp phó

Công chức

Lao động hợp đồng

 

Tổng cộng

71

12

25

29

5

1

Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND

01

0

01

0

0

2

Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND

03

01

02

0

0

3

Ban Kinh tế - Xã hội

01

0

01

0

0

4

Ban Pháp Chế

01

0

01

0

0

5

Văn phòng HĐND-UBND

10

01

02

02

05

6

Phòng Nội vụ

06

01

02

03

0

7

Phòng Tư pháp

03

01

0

02

0

8

Phòng Tài chính và Kế hoạch

07

01

02

04

0

9

Phòng Tài nguyên và Môi trường

07

01

02

04

0

10

Phòng Lao đông - Thương binh và Xã hội

06

01

02

03

0

11

Phòng Văn hóa và Thông tin

04

01

01

02

0

12

Thanh tra

05

01

02

02

0

13

Phòng Kinh tế và Hạ tầng

05

01

02

02

0

14

Phòng Giáo dục và Đào tạo

07

01

03

03

0

15

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

05

01

02

02

0

d) Các đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân huyện:

+ Sự nghiệp giáo dục: có 33 trường học công lập trực thuộc. Tổng số người làm việc hiện có là 995 người, trong đó, viên chức 985 người, HĐLĐ 10 người.

+ Sự nghiệp khác có 06 đơn vị gồm: Ban Quản lý đầu tư xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm Vệ sinh môi trường đô thị, Trung tâm Văn hoá - Thể thao và truyền thanh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; ngoài ra, còn có viên chức làm việc tại Hội đặc thù được giao biên chế (Hội chữ thập đỏ). Tổng số người làm việc sự nghiệp khác hiện có là 89 người.

 

Tổng hợp số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp khác:

Stt

Đơn vị

Tổng số người làm việc hiện có

Cấp trưởng

Cấp phó

Viên chức

Lao động hợp đồng

 

Tổng cộng

89

07

09

53

20

1

Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao

16

01

01

13

01

2

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp

14

01

03

10

0

3

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng

18

01

01

13

03

4

Trung tâm Vệ sinh môi trường đô thị

09

01

01

0

07

5

Trung tâm Phát triển quỹ đất

10

01

01

01

07

6

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên

21

1

2

16

2

7

Hội chữ thập đỏ

01

01

0

0

0

1.6. Khối Đơn vị hành chính cấp xã

Gồm 11 xã, thị trấn. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức tính đến thời điểm hiện tại là 202 người.

1.7. Các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn

Tổng số các cơ quan ngành dọc của tỉnh, Trung ương đóng trên địa bàn huyện có 09 đơn vị, gồm: (1) Công an, (2) Ban Chỉ huy quân sự, (3) Viện kiểm sát nhân dân, (4) Tòa án nhân dân, (5) Chi cục Thi hành án dân sự, (6) Điện lực, (7) Đội Quản lý thị trường số 4, (8) Trung tâm Y tế, (9) Bảo hiểm xã hội.

1.8. Đối với các ĐVHC liên quan đến sắp xếp

1.8.1. Thị trấn Thiên Tôn:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân thị trấn Thiên Tôn nhiệm kỳ 2021-2026 có 20 đại biểu. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 16 người, chiếm 80%; cao đẳng là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 02 người, chiếm 10%, trình độ khác là 02 người, chiếm 10%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 13 người, chiếm 65%; sơ cấp là 03 người, chiếm 15%; chưa qua đào tạo là 03 người, chiếm 15%.

b) Cán bộ, công chức:

Tổng số cán bộ, công chức là 16 người, gồm cán bộ 10 người và công chức 06 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 16 người, chiếm 100%; cao đẳng là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 0 người, chiếm 0%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 16 người, chiếm 100%; sơ cấp là 0 người, chiếm 0%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở thị trấn là 06 người và ở 06 tổ dân phố là 12 người.

1.8.2. Xã Ninh Giang:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân xã Ninh Giang nhiệm kỳ 2021-2026 có 23 đại biểu. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 07 người, chiếm 30,44%; cao đẳng là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 05 người, chiếm 21,74%, trình độ khác là 11 người, chiếm 47,82%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 09 người, chiếm 39,13%; sơ cấp là 04 người, chiếm 17,39%; chưa qua đào tạo là 10 người, chiếm 43,48%.

b) Cán bộ, công chức:

Tổng số cán bộ, công chức là 19 người, gồm cán bộ 10 người và công chức 10 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 16 người, chiếm 84,21%; cao đẳng là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 02 người, chiếm 10,53%, trình độ khác là 01 người, chiếm 5,26%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 16 người, chiếm 84,21%; sơ cấp là 02 người, chiếm 10,53%; chưa qua đào tạo là 01 người, chiếm 5,26%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở xã là 09 người và ở 08 thôn là 17 người.

1.8.3. Xã Ninh Hải:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân xã Ninh Hải nhiệm kỳ 2021-2026 có 21 đại biểu. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 09 người, chiếm 42,85%; cao đẳng là 01 người, chiếm 4,76%; trung cấp là 01 người, chiếm 4,76%, trình độ khác là 10 người, chiếm 47,61%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 08 người, chiếm 38,09%; sơ cấp là 05 người, chiếm 23,80%; chưa qua đào tạo là 08 người, chiếm 38,09%.

b) Cán bộ, công chức:

Tổng số cán bộ, công chức là 18 người, gồm cán bộ 10 người và công chức 08 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 17 người, chiếm 94,44%; cao đẳng là 01 người, chiếm 5,56%; trung cấp là 0 người, chiếm 0%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 15 người, chiếm 83,33%; sơ cấp là 02 người, chiếm 11,11%; chưa qua đào tạo là 01 người, chiếm 5,56%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở xã là 08 người và ở thôn là 10 người.

1.8.4. Xã Ninh Mỹ:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân xã Ninh Mỹ nhiệm kỳ 2021-2026 có 25 đại biểu. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 13 người, chiếm 52%; cao đẳng là người 0, chiếm 0%; trung cấp là 03 người, chiếm 12%, trình độ khác là 09 người, chiếm 36%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 13 người, chiếm 52%; sơ cấp là 06 người, chiếm 24%; chưa qua đào tạo là 06 người, chiếm 24%.

b) Cán bộ, công chức:

Tổng số cán bộ, công chức là 18 người, gồm cán bộ 9 người và công chức 09 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 14 người, chiếm 77,78%; cao đẳng là 02 người, chiếm 11,11%; trung cấp là 02 người, chiếm 11,11%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 01 người, chiếm 5,55%; trung cấp là  14 người, chiếm 77,78%; sơ cấp là 03 người, chiếm 16,67 %; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở xã là 09 người và ở 09 thôn là 18 người.

1.8.5. Xã Ninh Thắng:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân xã Ninh Thắng nhiệm kỳ 2021-2026 có 20 đại biểu. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 14 người, chiếm 70%; cao đẳng là 03 người, chiếm 15%; trung cấp là 0 người, chiếm 0%, trình độ khác là 3 người, chiếm 15%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 13 người, chiếm 65%; sơ cấp là 07 người, chiếm 35%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

b) Cán bộ, công chức:

 Tổng số cán bộ, công chức là 17 người, gồm cán bộ 10 người và công chức 7 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 16 người, chiếm 94,11%; cao đẳng là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 01 người, chiếm 5,89%, trình độ khác là 0 người, chiếm 0%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 14 người, chiếm 82,35%; sơ cấp là 03 người, chiếm 17,65%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

 Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở xã là 07 người và ở 04 thôn là 07 người.

1.8.5. Xã Ninh Xuân:

a) Hội đồng nhân dân phường:

Hội đồng nhân dân xã Ninh Xuân nhiệm kỳ 2021-2026 có 20 đại biểu. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 08 người, chiếm 40%; cao đẳng là 01 người, chiếm 5%; trung cấp là 05 người, chiếm 25%, trình độ khác là 06 người, chiếm 30%.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người; trung cấp là 10 người, chiếm 50%; sơ cấp là 05 người, chiếm 25%; chưa qua đào tạo là 05 người, chiếm 25%.

b) Cán bộ, công chức:

Tổng số cán bộ, công chức là 17 người, gồm cán bộ 10 người và công chức 07 người. Trong đó:

- Trình độ đại học và trên đại học là 12 người, chiếm 70,59%; cao đẳng là 01 người, chiếm 5,88%; trung cấp là 04 người, chiếm 23,53%, trình độ khác là 0 người.

- Trình độ về lý luận chính trị cao cấp là 0 người, chiếm 0%; trung cấp là 15 người, chiếm 88,25; sơ cấp là 02 người, chiếm 11,76%; chưa qua đào tạo là 0 người, chiếm 0%.

c) Người hoạt động không chuyên trách:

 Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở xã 08 người và ở 04 thôn là 08 người.

IV. HIỆN TRẠNG CÁC ĐVHC LIÊN QUAN

1. Tỉnh Ninh Bình

1.1. Theo số liệu tính đến 31/12/2023, tỉnh Ninh Bình có 1.411,86 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.125.839 người. Có 08 ĐVHC cấp huyện trực thuộc, gồm 02 thành phố (Ninh Bình, Tam Điệp) và 06 huyện (Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, Hoa Lư). Có 143 ĐVHC cấp xã, gồm 119 xã, 17 phường và 07 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa là 21,50%[1].

1.2. Địa giới hành chính: Đông giáp tỉnh Nam Định; Tây giáp tỉnh Hòa Bình; Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và biển Đông; Bắc giáp tỉnh Hà Nam.

2. Thành phố Ninh Bình

2.1. Theo số liệu tính đến ngày 31/12/2023, thành phố Ninh Bình có diện tích tự nhiên là 46,75 km2, quy mô dân số là 154.596 người; có 14 ĐVHC cấp xã trực thuộc, gồm 11 phường (Ninh Khánh, Đông Thành, Tân Thành, Vân Giang, Phúc Thành, Nam Thành, Thanh Bình, Nam Bình, Bích Đào, Ninh Phong, Ninh Sơn) và 03 xã (Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 83,59%[2].

2.2. Địa giới hành chính: Đông giáp huyện Yên Khánh và tỉnh Nam Định; Tây giáp huyện Hoa Lư; Nam giáp huyện Hoa Lư và huyện Yên Khánh; Bắc giáp huyện Hoa Lư và tỉnh Nam Định.

Trong đó có các ĐVHC cấp xã liên quan đến sắp xếp và thành lập phường:

2.2.1. Phường Phúc Thành có 1,04 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 14.150 người và 15 tổ dân phố. Địa giới hành chính: Đông giáp phường Vân Giang; Tây giáp xã Ninh Nhất; Nam giáp phường Nam Bình, phường Nam Thành và xã Ninh Tiến; Bắc giáp phường Tân Thành và phường Đông Thành.

2.2.2. Phường Thanh Bình có 1,57 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 12.865 người và 18 tổ dân phố. Địa giới hành chính: Đông giáp phường Bích Đào và tỉnh Nam Định; Tây giáp phường Vân Giang; Nam giáp phường Nam Bình; Bắc giáp phường Đông Thành.

2.2.3. Phường Vân Giang có 0,35 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 6.934 người và 14 tổ dân phố. Địa giới hành chính: Đông giáp phường Thanh Bình; Tây giáp phường Phúc Thành và phường Tân Thành; Nam giáp phường Phúc Thành, phường Nam Bình và phường Thanh Bình; Bắc giáp phường Đông Thành.

2.2.4. Xã Ninh Phúc có 6,30 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 11.153 người và 11 thôn. Địa giới hành chính: Đông giáp huyện Yên Khánh; Tây giáp phường Ninh Sơn; Nam giáp huyện Yên Khánh và huyện Hoa Lư; Bắc giáp phường Bích Đào và tỉnh Nam Định.

2.2.5. Xã Ninh Tiến có 5,18 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.463 người và 09 thôn. Địa giới hành chính: Đông giáp phường Nam Thành; Tây giáp huyện Hoa Lư; Nam giáp phường Ninh Phong và huyện Hoa Lư; Bắc giáp phường Phúc Thành và xã Ninh Nhất.

2.2.6. Xã Ninh Nhất có 7,26 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.256 người và 10 thôn. Địa giới hành chính: Đông giáp phường Ninh Khánh, phường Tân Thành và phường Phúc Thành; Tây giáp huyện Hoa Lư; Nam giáp phường Nam Thành và xã Ninh Tiến; Bắc giáp huyện Hoa Lư.

3. Huyện Hoa Lư

3.1 Theo số liệu tính đến ngày 31/12/2023, huyện Hoa Lư có 103,49 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 83.613 người; có 11 ĐVHC cấp xã trực thuộc, gồm 01 thị trấn (Thiên Tôn) và 10 xã (Trường Yên, Ninh Hòa, Ninh Giang, Ninh Mỹ, Ninh Khang, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh Hải, Ninh An, Ninh Thắng). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 5,76%[3].

3.2. Địa giới hành chính: Đông giáp thành phố Ninh Bình và huyện Yên Khánh; Tây giáp huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan; Nam giáp thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô; Bắc giáp tỉnh Nam Định.

Trong đó có các ĐVHC cấp xã liên quan đến sắp xếp và thành lập phường:

3.2.1. Thị trấn Thiên Tôn có 2,19 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.924 người và 06 tổ dân phố. Địa giới hành chính: Đông giáp xã Ninh Khang; Tây giáp xã Ninh Hòa; Nam giáp xã Ninh Mỹ và xã Ninh An; Bắc giáp xã Ninh Giang.

3.2.2. Xã Ninh Giang có 6,47 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 8.045 người và 08 thôn. Địa giới hành chính: Đông giáp xã Ninh Khang và tỉnh Nam Định; Tây giáp xã Trường Yên; Nam giáp thị trấn Thiên Tôn và xã Ninh Hòa; Bắc giáp huyện Gia Viễn và tỉnh Nam Định.

3.2.3. Xã Ninh Hải có 21,90 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.031 người và 05 thôn. Địa giới hành chính: Đông giáp xã Ninh Xuân và xã Ninh Thắng; Tây giáp huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn và thành phố Tam Điệp; Nam giáp xã Ninh Vân; Bắc giáp xã Trường Yên và xã Ninh Xuân.

3.2.4. Xã Ninh Mỹ có 4,06 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.327 người và 09 thôn. Địa giới hành chính: Đông giáp xã Ninh Khang; Tây giáp xã Ninh Hòa; Nam giáp thành phố Ninh Bình; Bắc giáp thị trấn Thiên Tôn.

3.2.5. Xã Ninh Thắng có 4,23 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.950 người và 04 thôn. Địa giới hành chính: Đông giáp thành phố Ninh Bình; Tây giáp xã Ninh Hải; Nam giáp xã Ninh Vân và xã Ninh An; Bắc giáp xã Ninh Xuân và thành phố Ninh Bình.

3.2.6. Xã Ninh Xuân có 9,75 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.826 người và 09 thôn. Địa giới hành chính: Đông giáp thành phố Ninh Bình; Tây giáp xã Ninh Hải; Nam giáp xã Ninh Hải và xã Ninh Thắng; Bắc giáp xã Trường Yên, xã Ninh Hòa và thành phố Ninh Bình.

V. PHƯƠNG ÁN HỢP NHẤT HUYỆN HOA LƯ VÀ THÀNH PHỐ NINH BÌNH ĐỂ THÀNH LẬP THÀNH PHỐ HOA LƯ, ĐỒNG THỜI SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ, THÀNH LẬP CÁC PHƯỜNG TRỰC THUỘC

1. Phương án hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư

Thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số ĐVHC cấp xã trực thuộc của huyện Hoa Lư (có diện tích tự nhiên là 103,49 km2, đạt 32,85% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 83.613 người, đạt 69,68% so với tiêu chuẩn) và thành phố Ninh Bình (có diện tích tự nhiên là 46,75 km2, đạt 31,17% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 153.992 người, đạt 102,66% so với tiêu chuẩn).

2. Phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, thành lập các phường thuộc thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

2.1. Thành lập phường Vân Giang trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phúc Thành (có diện tích tự nhiên là 1,04 km2, đạt 18,91% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 14.150 người, đạt 202,14% so với tiêu chuẩn); phường Thanh Bình (có diện tích tự nhiên là 1,57 km2, đạt 28,55% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 12.865 người, đạt 183,79% so với tiêu chuẩn) và phường Vân Giang (có diện tích tự nhiên là 0,35 km2, đạt 6,36% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 6.934 người, đạt 99,06% so với tiêu chuẩn).

2.2. Thành lập phường Ninh Nhất trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ninh Xuân (có diện tích tự nhiên là 9,75 km2, đạt 46,43% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 4.826 người, đạt 60,32% so với tiêu chuẩn) và xã Ninh Nhất (có diện tích tự nhiên là 7,26 km2, đạt 34,57% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 7.256 người, đạt 90,70% so với tiêu chuẩn).

2.3. Thành lập phường Ninh Hải trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ninh Thắng (có diện tích tự nhiên là 4,23 km2, đạt 20,14% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 4.950 người, đạt 61,87% so với tiêu chuẩn) và xã Ninh Hải (có diện tích tự nhiên là 21,90 km2, đạt 104,29% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 7.031 người, đạt 87,89% so với tiêu chuẩn).

2.4. Thành lập phường Ninh Mỹ trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ninh Mỹ (có diện tích tự nhiên là 4,06 km2, đạt 19,33% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 7.327 người, đạt 91,59% so với tiêu chuẩn) và thị trấn Thiên Tôn (có diện tích tự nhiên là 2,19 km2, đạt 15,64% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 4.817 người, đạt 60,21% so với tiêu chuẩn).

2.5. Thành lập phường Ninh Phúc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,30 km2 diện tích tự nhiên (đạt 30,00% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 11.153 người (đạt 159,33% so với tiêu chuẩn) của xã Ninh Phúc.

2.6. Thành lập phường Ninh Tiến trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 5,18 km2 diện tích tự nhiên (đạt 24,67% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 7.463 người (đạt 106,61% so với tiêu chuẩn) của xã Ninh Tiến.

2.7. Thành lập phường Ninh Giang trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,47 km2 diện tích tự nhiên (đạt 30,81% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 8.045 người (đạt 100,56% so với tiêu chuẩn) của xã Ninh Giang.

VI. KẾT QUẢ SAU KHI HỢP NHẤT HUYỆN HOA LƯ VÀ THÀNH PHỐ NINH BÌNH ĐỂ THÀNH LẬP THÀNH PHỐ HOA LƯ, ĐỒNG THỜI SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ VÀ THÀNH LẬP CÁC PHƯỜNG TRỰC THUỘC

1. Tỉnh Ninh Bình

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 nói chung và hợp nhất huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư; sắp xếp ĐVHC cấp xã, thành lập các phường thuộc thành phố Hoa Lư nói riêng, tỉnh Ninh Bình không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và giảm 01 ĐVHC cấp huyện, giảm 18 ĐVHC cấp xã. Trong đó:

1.1. Cấp huyện: Giảm 01 huyện.

1.2. Cấp xã: Giảm 21 xã, 01 thị trấn và tăng 04 phường.

Tỉnh Ninh Bình có 1.411,86 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.125.839 người. Có 07 ĐVHC cấp huyện trực thuộc, gồm 02 thành phố (Hoa Lư, Tam Điệp) và 05 huyện (Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn). Có 125 ĐVHC cấp xã, gồm 98 xã, 21 phường và 06 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa là 26,61%[4].

Địa giới hành chính: Đông giáp tỉnh Nam Định; Tây giáp tỉnh Hòa Bình; Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và biển Đông; Bắc giáp tỉnh Hà Nam.

2. Thành phố Hoa Lư

2.1. Thành phố Hoa Lư có 150,24 km2 diện tích tự nhiên (đạt 100,16% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 237.605 người (đạt 158,04% so với tiêu chuẩn); có 20 ĐVHC cấp xã trực thuộc, gồm 15 phường (Ninh Khánh, Đông Thành, Tân Thành, Vân Giang, Nam Thành, Nam Bình, Bích Đào, Ninh Phong, Ninh Sơn, Ninh Phúc, Ninh Tiến, Ninh Giang, Ninh Nhất, Ninh Hải, Ninh Mỹ) và 05 xã (Trường Yên, Ninh Vân, Ninh Khang, Ninh Hòa, Ninh An). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 81,30%[5].

2.2. Địa giới hành chính: Đông giáp tỉnh Nam Định; Tây giáp tỉnh Hòa Bình; Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và biển Đông; Bắc giáp tỉnh Hà Nam.

2.3. Nơi đặt trụ sở làm việc: Thành uỷ thành phố Hoa Lư và các cơ quan khối Đảng, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội (khối Đảng) đặt tại trụ sở Thành uỷ, HĐND-UBND thành phố Ninh Bình hiện nay; HĐND, UBND, các phòng, ban chuyên môn (khối chính quyền) đặt tại trụ sở  Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Hoa Lư hiện nay.

3. Các phường hình thành sau sắp xếp và thành lập mới

3.1. Phường Vân Giang

3.1.1. Phường Vân Giang có 2,96 km2 diện tích tự nhiên (đạt 53,82% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 33.949 người (đạt 484,99% so với tiêu chuẩn).

3.1.2. Địa giới hành chính phường Vân Giang: Đông giáp phường Bích Đào và tỉnh Nam Định; Tây giáp phường Tân Thành, phường Ninh Nhất; Nam giáp các phường: Ninh Tiến, Nam Thành, Nam Bình và Ninh Sơn; Bắc giáp phường Tân Thành và phường Đông Thành.

3.1.3. Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Ninh Bình cũ.

3.2. Phường Ninh Phúc

3.2.1. Phường Ninh Phúc có 6,30 km2 diện tích tự nhiên (đạt 114,55% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 11.153 người (đạt 159,33% so với tiêu chuẩn).

3.2.2. Địa giới hành chính phường Ninh Phúc: Đông giáp huyện Yên Khánh; Tây giáp phường Ninh Sơn; Nam giáp xã Ninh An và huyện Yên Khánh; Bắc giáp phường Bích Đào và tỉnh Nam Định.

3.2.3. Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Ninh Phúc hiện nay.

3.3. Phường Ninh Tiến

3.3.1. Phường Ninh Tiến có 5,18 km2 diện tích tự nhiên (đạt 94,18% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 7.463 người (đạt 106,61% so với tiêu chuẩn).

3.3.2. Địa giới hành chính phường Ninh Tiến: Đông giáp phường Nam Thành; Tây giáp phường Ninh Hải và phường Ninh Nhất; Nam giáp phường Ninh Phong và phường Ninh Hải; Bắc giáp phường Phúc Thành và phường Ninh Nhất.

3.3.3. Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Ninh Tiến hiện nay.

3.4. Phường Ninh Giang

3.4.1. Phường Ninh Giang có 6,47 km2 diện tích tự nhiên (đạt 117,64% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 8.045 người (đạt 114,93% so với tiêu chuẩn).

3.4.2. Địa giới hành chính phường Ninh Giang: Đông giáp xã Ninh Khang và tỉnh Nam Định; Tây giáp xã Trường Yên; Nam giáp phường Ninh Mỹ và xã Ninh Hòa; Bắc giáp huyện Gia Viễn và tỉnh Nam Định.

3.4.3. Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Ninh Giang hiện nay.

3.5. Phường Ninh Nhất

3.5.1. Phường Ninh Nhất có 17,01 km2 diện tích tự nhiên (đạt 309,27% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 12.082 người (đạt 172,60% so với tiêu chuẩn).

3.5.2. Địa giới hành chính phường Ninh Nhất: Đông giáp phường Ninh Khánh, phường Tân Thành và phường Vân Giang; Tây giáp phường Ninh Hải; Nam giáp các phường: Nam Thành, Ninh Tiến, Ninh Hải và xã Trường Yên; Bắc giáp phường Ninh Mỹ và xã Ninh Hòa.

3.5.3. Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Ninh Nhất hiện nay.

3.6. Phường Ninh Hải

3.6.1. Phường Ninh Hải có 26,13 km2 diện tích tự nhiên (đạt 475,09% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 11.981 người (đạt 171,16% so với tiêu chuẩn).

3.6.2. Địa giới hành chính phường Ninh Hải: Đông giáp phường Ninh Nhất; Tây giáp huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn và thành phố Tam Điệp; Nam giáp xã Ninh Vân, xã Ninh An và phường Ninh Phong; Bắc giáp xã Trường Yên và phường Ninh Nhất.

3.6.3. Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Ninh Thắng hiện nay.

3.7. Phường Ninh Mỹ

3.7.1. Phường Ninh Mỹ có 6,25 km2 diện tích tự nhiên (đạt 113,64% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 12.144 người (đạt 173,48% so với tiêu chuẩn).

3.7.2. Địa giới hành chính phường Ninh Mỹ: Đông giáp xã Ninh Khang; Tây giáp xã Ninh Hòa; Nam giáp phường Ninh Nhất và phường Ninh Khánh; Bắc giáp phường Ninh Giang.

3.7.3. Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND thị trấn Thiên Tôn hiện nay.

VII. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY, BỐ TRÍ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH VÀ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG  HỢP DÔI DƯ DO SẮP XẾP

1. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố Hoa Lư

1.1. Đảng bộ

a) Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Đảng bộ thành phố Hoa Lư trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ huyện Hoa Lư với Đảng bộ thành phố Ninh Bình. Nhiệm kỳ đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hoa Lư là nhiệm kỳ 2020-2025.

b) Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định nguyên trạng số lượng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giới thiệu nguyên trạng Ủy ban Kiểm tra của 02 Đảng bộ để Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hoa Lư bầu Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra theo Điều 31, Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng.

c) Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy Hoa Lư; giới thiệu nhân sự để Hội đồng nhân dân thành phố Hoa Lư bầu giữ chức Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND và các Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố Hoa Lư.

d) Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thực hiện theo Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 30/11/2023 của Ban Tổ chức Trung ương, cụ thể:

- Nhiệm kỳ 2020-2025:

+ Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoa Lư tối đa không vượt quá tổng số hiện có của Thành ủy Ninh Bình và Huyện ủy Hoa Lư trước khi sắp xếp (trừ số lượng các đồng chí nghỉ hưu, nghỉ công tác, chuyển công tác khác).

+ Số lượng Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hoa Lư tối đa không vượt quá tổng số cấp trưởng, cấp phó hiện có của Thành ủy Ninh Bình và Huyện ủy Hoa Lư trước khi sắp xếp (trừ số lượng các đồng chí nghỉ hưu, nghỉ công tác, chuyển công tác khác).

- Nhiệm kỳ 2025-2030:

Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Thành ủy; số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoa Lư thực hiện theo quy định, chỉ thị của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương.

đ) Các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ thành phố Hoa Lư: Căn cứ hiện trạng số lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên của Đảng bộ thành phố Ninh Bình, Đảng bộ huyện Hoa Lư trước khi sắp xếp và quyết định của cấp có thẩm quyền về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan đảng, chính quyền khi hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư, Ban Thường vụ Thành uỷ Hoa Lư quyết định sắp xếp tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đảm bảo thống nhất, đồng bộ với sắp xếp ĐVHC, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, chính quyền cùng cấp theo quy định của Điều lệ Đảng và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 30/11/2023 của Ban Tổ chức Trung ương

1.2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

a) Hợp nhất nguyên trạng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của hai đơn vị. Đề nghị Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn căn cứ điều lệ của tổ chức mình và chỉ đạo, hướng dẫn của ngành dọc cấp trên để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc sắp xếp Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tương ứng với sắp xếp tổ chức đảng, trong đó lưu ý:

- Xây dựng đề án sắp xếp, chuyển giao tổ chức và kiện toàn cán bộ.

- Quy trình thành lập tổ chức, xác định nhiệm kỳ đầu tiên và cách tính số thứ tự nhiệm kỳ đại hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội sau khi sắp xếp.

- Số lượng ủy viên ủy ban, ban thường trực, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và số lượng ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch (phó bí thư) các tổ chức chính trị - xã hội nhiệm kỳ đầu tiên tối đa không vượt quá tổng số hiện có của các tổ chức cùng cấp trước khi sắp xếp ĐVHC, trừ số lượng các đồng chí nghỉ hưu, nghỉ công tác, chuyển công tác khác; đồng thời, khuyến khích thực hiện giảm số lượng các chức danh trên để sớm đảm bảo theo quy định chung.

b) Ban Thường vụ Thành ủy Hoa Lư phối hợp với Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hướng dẫn sắp xếp, chuyển giao tổ chức và kiện toàn cán bộ; xác định số lượng ủy viên Ủy ban, ban thường trực, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và số lượng ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch (phó bí thư) tổ chức chính trị - xã hội ở ĐVHC sau sắp xếp.

1.3. Chính quyền thành phố

1.3.1. Hội đồng nhân dân thành phố:

- Đại biểu Hội đồng nhân dân của thành phố Ninh Bình là 32 đại biểu (số hiện có là 28 đại biểu) và huyện Hoa Lư là 28 đại biểu (số hiện có là 28 đại biểu) hợp thành Hội đồng nhân dân của thành phố Hoa Lư là 60 đại biểu (số hiện có là 56 đại biểu) và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định tại Điều 134 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

- Hội đồng nhân dân thành phố Hoa Lư bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân trong tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

- Khóa của Hội đồng nhân dân thành phố Hoa Lư là khóa I.

1.3.2. Ủy ban nhân dân thành phố:

- Ủy ban nhân dân thành phố Hoa Lư do Hội đồng nhân dân thành phố bầu ra theo quy định tại Điều 134 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hoa Lư gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và 14 Ủy viên Ủy ban nhân dân (là người đứng đầu cơ quan quân sự, công an và 12 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hoa Lư).

- Số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố không quá 03 người theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

1.4. Cơ quan thuộc Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố:

1.4.1. Cơ quan thuộc Thành ủy Hoa Lư:

Gồm 03 Ban xây dựng Đảng, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Thành ủy và Trung tâm chính trị.

1.4.2. Các cơ quan chuyên môn thuộc thuộc Ủy ban nhân dân:

Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hoa Lư thực hiện theo quy định tại Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ, gồm 12 phòng chuyên môn. Ủy ban nhân dân thành phố Hoa Lư xây dựng đề án thành lập, tổ chức lại cơ quan chuyên môn, trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất các cơ quan chuyên môn hiện nay của Ủy ban nhân dân thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư.

1.4.3. Đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân:

- Sự nghiệp giáo dục: trước mắt giữ ổn định như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

- Sự nghiệp khác: (1) Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo quy định của pháp luật. (2) Các đơn vị sự nghiệp công lập còn lại: trước mắt giữ ổn định như hiện nay.

1.4.3. Các tổ chức hội đặc thù:

Sáp nhập, đổi tên hội tương ứng với phương án thành lập thành phố Hoa Lư; trình tự, hồ sơ sáp nhập, đổi tên thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

2. Biên chế và phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động

2.1. Biên chế và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

Nhập nguyên trạng số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp của huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình. Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hoa Lư sau khi thành lập quản lý, bố trí, sử dụng biên chế theo quy định hiện hành của pháp luật; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện tinh giản, bố trí, sắp xếp lại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định.

2.2. Phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý

Phương án bố trí, sắp xếp các chức danh lãnh đạo, quản lý theo phân cấp quản lý được thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

3. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị phường mới thành lập

3.1. Đối với các phường được thành lập trên cơ sở nguyên trạng

Tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ, công chức, người lao động ổn định như hiện nay.

3.2. Đối với các phường thành lập trên cơ sở nhập các xã, thị trấn

Hợp nhất nguyên trạng tổ chức bộ máy (Tổ chức đảng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Chính quyền địa phương; Đơn vị sự nghiệp; Các tổ chức hội) của các đơn vị sau sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính phường mới và thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

4. Phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người lao động sau sắp xếp, thành lập các phường mới

Hợp nhất nguyên trạng số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các đơn vị. Đối với số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư (nếu có) thực hiện việc sắp xếp trong thời gian 05 năm (kể từ ngày Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025 có hiệu lực thi hành) theo hướng:

- Điều chuyển cán bộ, công chức đến công tác tại các đơn vị khác còn khuyết chức vụ, chức danh hoặc còn thiếu công chức trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cấp xã.

- Thực hiện xét tuyển từ cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp tỉnh, cấp huyện đối với các trường hợp đủ điều kiện để bố trí vào các sở, phòng, ban, ngành của tỉnh, huyện, thành phố còn khuyết nhân sự;

- Đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tự nguyện xin nghỉ để hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật thì ngoài việc được hưởng chế độ chính sách theo quy định của Trung ương, còn được hưởng chế độ chính sách theo quy định của tỉnh.

- Giải quyết chế độ nghỉ hưu (nếu đảm bảo điều kiện theo quy định của Luật cán bộ, công chức; Luật bảo hiểm xã hội), giải quyết chế độ nghỉ không đủ tuổi tái cử, nghỉ tinh giản biên chế, thôi việc theo nguyện vọng.

5. Phương án tổ chức bộ máy các đơn vị của Trung ương, tỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố

Hợp nhất nguyên trạng tổ chức bộ máy các đơn vị của Trung ương, tỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố và thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

6. Phương án và lộ trình giải quyết chế độ, chính sách

Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành thì cán bộ, công chức, viên chức nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế còn được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình.

7. Phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công

Thực hiện việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị tại ĐVHC hình thành sau sắp xếp theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định hiện hành của pháp luật; bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả và không lãng phí.

8. Thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ

Để tránh xáo trộn trong việc điều chỉnh một số giấy tờ cần thiết, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hoa Lư sau khi thành lập phối hợp thực hiện từng bước. Triển khai kế hoạch tổ chức cấp đổi hoặc điều chỉnh các loại giấy tờ cho người dân, tổ chức theo đúng quy định. Các loại giấy tờ về cư trú, căn cước công dân,... vẫn có giá trị pháp lý của ĐVHC cũ thì vẫn tiếp tục được sử dụng, lưu hành, chỉ thay đổi khi người dân có nguyện vọng. Các chi phí thực hiện để chuyển đổi giấy tờ, địa chỉ,… Việc chuyển đổi đảm bảo thực hiện trong thời gian nhanh nhất, tại điểm tập trung do Ủy ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn thành phố Hoa Lư thông báo; có thể cử công chức đến tận nơi để thay đổi giấy tờ cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có nhu cầu.

VIII. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Qua nhiều năm phấn đấu, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của Tỉnh và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn trong việc phát huy mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc cải tạo chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư; sắp xếp ĐVHC cấp xã và thành lập các phường thuộc thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tỉnh Ninh Bình nói chung và khu vực thành lập thành phố Hoa Lư nói riêng. Tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất của địa phương; góp phần tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn có tốc độ phát triển và đô thị hóa mạnh mẽ của tỉnh Ninh Bình nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung trong thời gian qua.

Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp ĐVHC cấp xã và thành lập các phường trực thuộc thành phố Hoa Lư nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; là nhu cầu tất yếu nhằm mở rộng phạm vi quản lý của chính quyền đô thị thay cho chính quyền nông thôn hiện hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền cơ sở đối với khu vực đang trong quá trình đô thị hóa cao; tạo dư địa, điều kiện để mở rộng không gian phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh; góp phần tăng quy mô ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị. Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư nhằm tiếp nối truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất này, đảm bảo các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của vùng Cố đô, gắn với định hướng phát triển là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”, tạo điều kiện tập trung phát triển du lịch - dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để thành phố trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.

Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp ĐVHC cấp xã và thành lập các phường trực thuộc thành phố Hoa Lư là phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đảm bảo tiêu chuẩn của ĐVHC (thành phố thuộc tỉnh, phường thuộc thành phố) và phù hợp với các chương trình phát triển đô thị, định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; góp phần tăng cường và củng cố hơn nữa vị thế chiến lược trong thế trận phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn; đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của đô thị vì mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, điều kiện sống cho người dân trên địa bàn; đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Hoa Lư nói riêng.

2. Kiến nghị

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình kính trình Chính phủ (qua Bộ Nội vụ thẩm định) xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp ĐVHC cấp xã và thành lập các phường thuộc thành phố Hoa Lư theo thẩm quyền./.

 

Nơi nhận:

- Chính phủ;

- Bộ Nội vụ;                                                             

- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;

- Hội đồng nhân dân tỉnh;

- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;

- Sở Nội vụ;                                                                       

- Thành uỷ Ninh Bình,

  Huyện uỷ Hoa Lư;

- UBND thành phố Ninh Bình,

  UBND huyện Hoa Lư;

- Lưu: VT, VP7.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Theo số liệu quản lý của Công an tỉnh Ninh Bình, tính đến 31/12/2023, trong tổng số 1.125.839 người của tỉnh Ninh Bình thì có 242.107 người là dân số thành thị, chiếm 21,87% (242.107/1.125.839 người).

[2] Theo số liệu quản lý của Công an tỉnh Ninh Bình, tính đến 31/12/2023, trong tổng số 153.992 người của thành phố Ninh Bình thì có 128.724 người là dân số thành thị, chiếm 83,59% (128.724/153.992 người).

[3] Theo số liệu quản lý của Công an tỉnh Ninh Bình, tính đến 31/12/2023, trong tổng số 83.613 người của huyện Hoa Lư thì có 4.817 người là dân số thành thị, chiếm 5,76% (4.817/83.613 người).

[4] Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, trong tổng số 1.125.839 người của tỉnh Ninh Bình thì có 299.554 người là dân số thành thị (tăng 57.447 người), chiếm 26,61% (299.554/1.125.839 người).

[5] Sau khi thành lập thành phố Hoa Lư và sắp xếp ĐVHC cấp xã, thành lập các phường thuộc thành phố Hoa Lư, trong tổng số 253.182 người của thành phố Hoa Lư thì có 205.843 người là dân số thành thị, chiếm 81,30% (205.843/253.182 người).

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

772851

Trực tuyến : 25

Hôm nay : 111

Hôm qua : 563

W88vnz - https://139.99.113.80/ KUBET 131.31 - https://51.79.131.31/