Mặc dù có con nhỏ trong độ tuổi nên tiêm chủng để phòng, chống dịch bệnh, nhưng trước những thông tin về một số sự cố sau tiêm đã diễn ra ở một số địa bàn trong cả nước khiến chị Nguyễn Q. H (xã Khánh Trung- Yên Khánh) lo lắng, tự quyết định cho con dừng tiêm vacxin Quinvaxem. Hỏi chuyện, chị Q.H cho biết: Mặc dù đã nghe khuyến cáo của ngành Y tế nhưng gia đình tôi vẫn lo lắng. Do cháu còn ít tháng tuổi nên nỗi lo lắng càng tăng khi đến ngày tiêm chủng. Gia đình tôi đành quyết định dừng lịch tiêm cho con để đợi cháu lớn hơn một chút, đồng thời muốn theo dõi tình hình tiêm chủng một thời gian rồi tính tiếp…
Không như suy nghĩ của chị Nguyễn Q.H, đến Trạm Y tế xã Ninh Mỹ (Hoa Lư) đúng vào ngày tiêm chủng theo quy định, mặc dù thời tiết mưa lạnh nhưng phụ huynh đưa con đi tiêm khá đông. Chị Nguyễn Thị Thu (xóm Quan Đồng) đang đưa con mình vào phòng khám phân loại. Chị cho biết: Mặc dù quan tâm và lo lắng trước một số sự cố sau tiêm chủng nhưng chúng tôi vẫn đưa con đi tiêm vì hiểu rằng phải tiêm phòng cho con để phòng, chống 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhất là mùa xuân này, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy xuất hiện rất nhiều trường hợp trẻ em mắc sởi…Như gia đình chúng tôi ở nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nếu không cho con tiêm chủng để phòng bệnh, nhỡ may con có mắc bệnh tật gì nguy hiểm thì gia đình sẽ hết sức khó khăn để chữa trị cho con…
Trao đổi với đồng chí Lã Thị Kim Dung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ninh Mỹ được biết thêm: Do ảnh hưởng của một số sự cố về tiêm chủng tại một số địa phương trong cả nước khiến tâm lý của các bậc phụ huynh hết sức lo lắng, một số gia đình trên địa bàn xã đã không cho con đến tiêm chủng theo lịch quy định. Trước tình hình này, Trạm Y tế xã thực hiện chỉ đạo của ngành Y tế về tăng cường công tác tiêm chủng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều hình thức để người dân biết được những quy định về an toàn tiêm chủng, tiến hành khảo sát, lập danh sách những trẻ thuộc đối tượng tiêm các vắcxin khác nhau để xây dựng kế hoạch từng buổi tiêm chủng. Trạm Y tế xã Ninh Mỹ đã thực hiện đổi mới tiêm chủng từ tháng 10-2013. Trạm đã bố trí các phòng riêng biệt: đón tiếp, khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng chờ…
Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đội ngũ cán bộ của Trạm thường xuyên quan tâm nhắc nhở, tư vấn cho các bậc phụ huynh quan tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em, thực hiện tốt lịch tiêm chủng nhằm bảo vệ sức khỏe của con em trước các dịch bệnh nguy hiểm. Nếu như trước kia, trên địa bàn xã có trên 100 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đều được tiến hành tiêm trong 1 buổi thì hiện nay, dựa trên số trẻ trong độ tuổi, Trạm đã chia thành 3 buổi tiêm, tiến hành trong hai ngày 25 và 26 hàng tháng để đảm bảo các hoạt động chuyên môn theo đúng quy trình an toàn tiêm chủng được triển khai.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư cho biết: Thực hiện quy định của Bộ Y tế về đổi mới hoạt động tiêm chủng, ngay từ tháng 10-2013, Trung tâm Y tế Hoa Lư đã tổ chức đánh giá, kiểm tra tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn huyện và có sự phúc tra của Sở Y tế, cả 11/11 trạm y tế xã, thị trấn đều đạt tiêu chuẩn. Đợt tiêm chủng tháng 3-2014, toàn huyện có 2.841 trẻ em thuộc diện tiêm chủng, trong đó có 745 đối tượng thuộc diện tiêm “vét” vacxin sởi.
Cùng với sự chuẩn bị của các Trạm y tế, trong các ngày tổ chức tiêm chủng, Trung tâm y tế huyện đã phân công cán bộ xuống tăng cường, giám sát tại các Trạm về quy trình tiêm chủng. Bên cạnh đó, để phòng, chống tai biến xảy ra trong tiêm chủng, Trung tâm còn chuẩn bị cơ số thuốc về chống sốc phản vệ, bóng bóp ampu hỗ trợ thở, phương tiện máy móc, Bệnh viện Đa khoa huyện chuẩn bị đội cấp cứu cơ động… Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh diễn biến bất thường, trong đó có một số dịch bệnh thường xuất hiện ở trẻ em dịp giao mùa như: sởi, sốt phát ban, tay-chân-miệng…, Trung tâm đã phối hợp với các Trạm y tế đẩy mạnh tuyên truyền nhằm cung cấp kiến thức cần thiết để người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định về tiêm chủng, quan tâm đưa con em đến các điểm tiêm chủng vào ngày quy định. Tuy nhiên, kết quả đợt tiêm chủng vừa qua, toàn huyện chỉ đạt 57,47%, trong đó tiêm phòng sởi đạt 36,03%.
Bác sỹ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Việc tiêm chủng cho trẻ em, nhất là trẻ trong độ tuổi dưới 1 tuổi là hết sức cần thiết nhằm tạo miễn dịch cơ bản phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ, hạn chế được các di chứng nặng nề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Đặc biệt, trước tình hình dịch sởi đang bùng phát ở một số địa phương trong cả nước thì việc tiêm phòng đầy đủ các mũi sởi cho con là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống bệnh sởi. Tại Ninh Bình, các loại vắcxin của Dự án tiêm chủng mở rộng, bao gồm cả Quinvaxem và Viêm gan B được Chương trình tiêm chủng mở rộng phía Bắc cấp 2 tháng một lần do xe lạnh của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giao tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và được bảo quản trong dây chuyền lạnh của đơn vị theo đúng quy định của chương trình. Vắcxin được cấp phát xuống huyện theo đối tượng tiêm dựa trên thống kê của các huyện, thành phố, thị xã, Bệnh viện Sản - Nhi vào ngày 24 hàng tháng.
Để thực hiện tốt công tác bảo quản vắcxin, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tuyến huyện thực hiện tốt việc bảo quản vắcxin. Tại các điểm tiêm chủng, thực hiện đổi mới hoạt động tiêm chủng, được sự quan tâm của Sở Y tế, qua các lớp tập huấn, mỗi xã, phường, điểm tiêm chủng hiện đã có từ 3 - 5 cán bộ y tế được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn về an toàn tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng đều bố trí cơ sở vật chất nhằm đảm bảo những đổi mới trong tiêm chủng tạo thuận lợi cho người dân khi đưa con em đến tiêm chủng.
Những năm gần đây, do công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nên công tác tiêm chủng mở rộng được nhiều gia đình thực hiện. Năm 2013, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi của tỉnh đạt 96,3%. Đợt tiêm chủng tháng 3-2014, toàn tỉnh đã cấp phát 32.787 liều vắcxin, trong đó có 7.837 đối tượng thuộc diện tiêm “vét” vắcxin sởi. Kết quả, tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi tháng 3 toàn tỉnh đạt 57,47%, trong đó có một số địa phương đạt thấp, dưới 50% là: thành phố Ninh Bình 34,88%, thị xã Tam Điệp 35,12%, huyện Hoa Lư 36,3%. Nguyên nhân chính vẫn là do nhiều gia đình còn nghi ngại không cho con em đi tiêm phòng trước những thông tin về một số trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường khiến số trẻ ốm do mắc các bệnh đường hô hấp tăng cũng là lý do khiến nhiều bậc phụ huynh hoãn việc tiêm chủng cho con em...
Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có công văn yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện việc rà soát lại đối tượng trẻ từ 9 tháng đến 12 tháng; từ 12 tháng đến 24 tháng tuổi chưa được tiêm sởi mũi 1; trẻ từ 18 tháng đến 24 tháng chưa được tiêm sởi mũi 2 trên địa bàn; lập kế hoạch tổ chức tiêm vét tiếp các đối tượng còn lại chưa được tiêm trong tháng 4-2014.
Trước kết quả tiêm chủng đạt thấp như vừa qua, thiết nghĩ, cùng với nỗ lực của ngành Y tế, các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức để nâng cao ý thức của người dân trong việc đưa con em đi tiêm chủng nhằm phòng, chống dịch bệnh. Nhất là trong bối cảnh tình hình dịch sởi đang bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước thì việc tiêm chủng đầy đủ các mũi sởi chính là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch sởi, không để dịch sởi xuất hiện và lây lan trên địa bàn.
Bài, ảnh: Phan Hiếu
Báo Ninh Bình