Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Bình. Đến ngày 25/4/2019, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra ở 7 huyện, thành phố là: xã Văn Phong (Nho Quan), phường Tân Thành (TP. Ninh Bình), xã Văn Hải (Kim Sơn), xã Gia Thanh, Gia Minh (Gia Viễn), xã Khánh Công, Khánh Cường (Yên Khánh), xã Khánh Thượng (Yên Mô), trên địa bàn xã Ninh Khang đã công bố hết dịch từ ngày 08/4/2019, tuy nhiên mầm bệnh vẫn còn tồn tại và tiềm ẩn trong môi trường. Trước tốc độ lây lan nhanh và diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, để chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, khống chế nhanh không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. UBND huyện Hoa Lư yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện các nội dung sau:


Trong những ngày xã Ninh Khang có Dịch tả lợn châu Phi, các chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn hoát động 24/24h
1. UBND các xã, thị trấn:
- Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND huyện trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nhất là các biện pháp ứng phó khẩn cấp với Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng nội dung Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 05/3/2019 của UBND huyện Hoa Lư.
- Phân công cán bộ thú y cơ sở, các trưởng thôn, xóm, công an viên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn đến tận hộ chăn nuôi, hộ giết mổ, buôn bán, vận chuyển; nhất là nơi có ổ dịch cũ nhằm sớm phát hiện dịch bệnh, kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để có biện pháp phòng, chống và xử lý kịp thời. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch, khi dịch bùng phát mới báo cáo.
- Tập trung tiêm phòng triệt để các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2019 (nhất là tiêm phòng cho đàn lợn) để tăng khả năng miễn dịch, chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh.
- Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ và người tiêu dùng nhận thức đúng về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn từ vùng đang xảy ra dịch. Khi lợn có triệu chứng bị bệnh, ốm chết không rõ nguyên nhân phải báo cáo ngay về UBND huyện (qua Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Chăn nuôi Thú y, Trạm Khuyến nông huyện) để xử lý kịp thời.
- Hạn chế tái đàn; trường hợp tái đàn, nuôi mới, chủ chăn nuôi phải lựa chọn mua con giống tại nơi không có dịch và có nguồn gốc rõ ràng. Nghiêm cấm việc mua con giống từ vùng có dịch, trôi nổi, không rõ nguồn gốc làm phát sinh, lây lan dịch bệnh. Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi.
- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đến nay chưa có vác xin và thuốc điều trị, nên công tác tiêu độc, khử trùng là biện pháp duy nhất để phòng và tiêu diệt mầm bệnh. Vì vậy, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý tình hình dịch bệnh, tổ chức thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất tại các khu vực chăn nuôi, đường làng ngõ xóm, các chợ buôn bán, các cơ sở giết mổ, điểm tập kết, trung chuyển lợn, các địa bàn giáp ranh với các vùng dịch lân cận, nơi có nguy cơ cao, nơi ổ dịch cũ…để tiêu diệt, ngăn ngừa mầm bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng.
2. Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện:
- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Cử cán bộ phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông huyện tuyên truyền và hướng dẫn các xã, thị trấn, các hộ chăn nuôi lợn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
3. Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông huyện:
- Phân công cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, kiểm tra, hướng dẫn cán bộ Thú y cơ sở giám sát phát hiện dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, đặc biệt là nơi ổ dịch cũ, nơi tiếp giáp với địa phương đang có dịch, nơi có chăn nuôi nhiều lợn, nhằm khi có dịch tái phát thì xử lý nhanh gọn triệt để.
- Phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, phòng, ban liên quan tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; kiểm tra, giám sát các hộ giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn, việc tái đàn sau khi hết dịch trên địa bàn huyện.
- Lấy mẫu gửi xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi sau 30 ngày tái đàn, khi lợn chết có biểu hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
4. Đội quản lý thị trường số 3, Công an huyện, :
Bố trí lực lượng tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, giết mổ, lưu thông, mua bán động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, từ nơi có dịch, không có thủ tục kiểm dịch.
5. Tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát việc vận chuyển gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn huyện Hoa Lư (Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 05/3/2019)
Duy trì hoạt động của tổ công tác liên ngành, để kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn, nhất là địa bàn giáp ranh với huyện, thành phố đang có dịch, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn từ nơi có dịch, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận kiểm dịch; vận chuyển lợn ốm, chết làm lây lan dịch bệnh.
6. Đài phát thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn:
Tiếp tục đưa tin về diễn biến tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên hệ thống truyền thanh các cấp để người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ và người tiêu dùng chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống, bảo vệ sản xuất chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; địa phương nào trong tỉnh đang xảy ra dịch tả lợn Châu phi để tránh mua, bán, vận chuyển, giết mổ và đi vào vùng dịch.
Tin Đài Truyền thanh huyện