Thứ ba, 14/01/2025,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình

Thứ ba, 10/12/2024 | Đã xem: 51 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Với tỷ lệ 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình

Sáng 10/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 40 - phiên họp cuối cùng năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền.

Quang cảnh Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự phiên khai mạc có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan quan.

Về phía tỉnh Ninh Bình có đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; lãnh đạo thành phố Ninh Bình.

Trong chương trình phiên họp buổi sáng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tóm tắt Tờ trình về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Ninh Bình.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tóm tắt Tờ trình về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Ninh Bình.

Trong đó nêu rõ: Theo Đề án của Chính phủ, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Ninh Bình có 1/8 ĐVHC cấp huyện (huyện Hoa Lư) và 34/143 ĐVHC cấp xã (29 xã, 2 phường và 3 thị trấn) thuộc diện bắt buộc sắp xếp.

Đối với cấp huyện, nhập nguyên trạng huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Đối với cấp xã: Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 34 đơn vị (gồm 22/34 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 10 đơn vị liền kề có liên quan, 2 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp); không thực hiện sắp xếp đối với 12/34 đơn vị do có yếu tố đặc thù.

Chính phủ đã xây dựng 2 Đề án, gồm: Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025 và Đề án thành lập thành phố Hoa Lư và sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp xã thuộc thành phố Hoa Lư.

Sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, tỉnh Ninh Bình giảm 1 ĐVHC cấp huyện (chiếm 12,5%), từ 8 đơn vị xuống còn 7 đơn vị (gồm 5 huyện và 2 thành phố) và giảm 18 ĐVHC cấp xã (chiếm 12,6%), từ 143 đơn vị xuống còn 125 đơn vị (101 xã, 18 phường và 6 thị trấn).

Tỉnh Ninh Bình cũng đã xây dựng phương án bố trí, giải quyết cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp ĐVHC; về sắp xếp trụ sở, tài sản công dôi dư và kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025 . Theo đó, Ủy ban Pháp luật ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình trong việc quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, tỉnh Ninh Bình thực hiện sắp xếp đối với 2 ĐVHC cấp huyện và 34 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được 1 ĐVHC cấp huyện và 18 ĐVHC cấp xã.

Cơ quan thẩm tra cũng cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp; việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; bố trí, sắp xếp trụ sở, tài sản công và việc giải quyết chế độ, chính sách đặc thù của các ĐVHC hình thành sau sắp xếp của tỉnh Ninh Bình như đã nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Thành phần hồ sơ Đề án đã bảo đảm đầy đủ, đúng quy định; quá trình chuẩn bị Đề án bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Đánh giá về tiêu chuẩn, điều kiện của ĐVHC hình thành sau sắp xếp đối với thành phố Hoa Lư: Qua rà soát, Ủy ban Pháp luật thấy rằng thành phố Hoa Lư hình thành sau sắp xếp đã đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 1211 và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về tiêu chuẩn về phân loại đô thị, thành phố Hoa Lư chưa được đánh giá, phân loại đô thị phù hợp với tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh theo quy định nhưng trên cơ sở áp dụng quy định về phân loại đô thị có yếu tố đặc thù tại điểm đ khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết số 1210 đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị và các đô thị trực thuộc để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ đánh giá khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư cơ bản đáp ứng tiêu chí của đô thị loại I.

Tại Đề án, Chính phủ và chính quyền tỉnh Ninh Bình đề nghị áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 2 của Nghị quyết số 50 và cam kết sẽ hoàn thành việc phân loại đô thị đối với thành phố Hoa Lư trước ngày 31/12/2024. Như vậy, thành phố Hoa Lư hình thành sau sắp xếp đã đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, phù hợp với mục tiêu của công tác sắp xếp ĐVHC theo quy định.

Đối với các ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp: Về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, có 11/16 ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định; có 5 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số (gồm xã Thanh Sơn, xã Tiến Thắng, xã Khánh Thiện, xã Khánh Thượng và thị trấn Phát Diệm). Đề án của Chính phủ đã nêu rõ lý do không thể tiếp tục sắp xếp đối với các ĐVHC này. Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 35, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện việc sắp xếp đối với  5 ĐVHC như phương án Chính phủ đã trình.

Về việc không thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025: Theo Tờ trình của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình có 12/34 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng đề nghị không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 do có yếu tố đặc thù. Căn cứ nội dung giải trình của Chính phủ, đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 35, Ủy ban Pháp luật nhận thấy đề xuất của Chính phủ về việc không thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC nêu trên là có cơ sở, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trong thời điểm hiện nay. Đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án và lộ trình để bảo đảm thực hiện sắp xếp các ĐVHC này trong những năm tiếp theo theo đúng quy định.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình trân trọng cảm ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ trong suốt thời gian qua để tỉnh Ninh Bình có sự phát triển tương đối nhanh, bền vững. Tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Năm 2023, Ninh Bình đã vươn lên trở thành địa phương có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên cả nước cả nước, từ năm 2022 trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương. Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, Ninh Bình cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tỉnh nông thôn mới, tốc độ đô thị hoá phát triển bền vững, năm 2024 đạt 40%.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025 sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho tỉnh Ninh Bình, tạo cơ hội để tỉnh Ninh Bình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính gắn với cơ cấu lại đô thị, mở rộng không gian phát triển. Đặc biệt, việc thành lập thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh với tính chất là đô thị di sản xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố để xứng tầm là trung tâm đô thị hạt nhân của tỉnh, hướng tới mục tiêu chung phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng của Đô thị Di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Do vậy, Nhân dân trong tỉnh rất vui mừng, phấn khởi và đồng tình ủng hộ rất cao.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cũng cam kết, tỉnh Ninh Bình sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi được thông qua.

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành với Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Ninh Bình.

Các đại biểu dự Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu dự Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Ninh Bình như Chính phủ trình. 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

963906

Trực tuyến : 5

Hôm nay : 39

Hôm qua : 335

W88vnz - https://139.99.113.80/ KUBET 131.31 - https://51.79.131.31/