Không giới hạn thời gian, không gian mà chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet rồi quét mã QR, dù là ngồi ở đâu… mọi người vẫn có thể lựa chọn được những cuốn sách mình yêu thích để đọc. Đó là nét độc đáo và tiện ích từ mô hình "Thư viện số" tại xã Ninh Hòa (Hoa Lư).
Chỉ cần quét mã QR là người dân có thể truy cập để tìm hiểu thông tin, đọc sách báo từ "Thư viện số".
Cùng Trưởng thôn Thanh Thượng đến thăm mô hình "Thư viện số" của Đoàn thanh niên, chúng tôi có cơ hội được đọc sách theo cách riêng. Sau khi quét mã QR được đặt tại Nhà văn hóa thôn, chúng tôi có đường link dẫn đến thư viện rồi mỗi người có thể ngồi ngay tại các ghế đá đặt trước sân Nhà văn hóa để đọc những nội dung mình yêu thích.
Ông Trần Văn Thức, Trưởng thôn Thanh Thượng cho biết: Thôn Thanh Thượng đang trong quá trình xây dựng thôn thông minh nên mô hình "Thư viện số" của Đoàn thanh niên đặt tại Nhà văn hóa thôn rất thiết thực và ý nghĩa đối với người dân địa phương. Hiện toàn thôn có tới 90% người dân có điện thoại thông minh, do đó việc sử dụng thông tin từ "Thư viện số" cũng khá thuận tiện.
Từ khi có "Thư viện số", người dân đến Nhà văn hóa thôn nhiều hơn trước. Tranh thủ lúc đi hội họp, sinh hoạt chi hội hay mỗi buổi chiều đến luyện tập thể thao, văn nghệ…, bà con trong thôn có thể quét mã QR để tìm hiểu những thông tin hữu ích. Đặc biệt, từ khi có "Thư viện số", nhiều gia đình đã tải nội dung sách, truyện về để con em đọc hàng ngày, góp phần lan tỏa niềm yêu thích đọc sách trong trẻ em…
Tại thôn Đại Áng, mô hình "Thư viện số" đã được người dân đón nhận tích cực bởi sự hữu ích mà mô hình mang lại. Người dân trong thôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, một số lao động đi làm tại các công ty nên thời gian rảnh rỗi không nhiều, do đó, mô hình "Thư viện số" đã giúp họ dễ dàng nắm bắt thông tin, kiến thức, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nuôi dạy con…
Ông Nguyễn Sơn Nhất, Bí thư Chi bộ thôn Đại Áng cho biết: Mô hình "Thư viện số" phù hợp với điều kiện địa phương vì mã QR được dán ở trước Nhà văn hóa thôn, ai đi qua cũng có thể vào quét mã để đọc sách. Nhiều kiến thức từ việc đọc sách đã được người dân bàn luận, trao đổi sôi nổi, phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Với việc người đã biết "mách" cho người chưa biết, không gian đọc online "thư viện số" đã lan tỏa rộng khắp trong thôn…
Hiện ở thôn Đại Áng 100% gia đình có điện thoại thông minh, người dân trong thôn đã tiếp cận với nhiều ứng dụng số nên việc quét mã QR để đọc sách không phải là việc khó khăn. "Thư viện số" của Đoàn thanh niên đã góp phần để thôn hoàn thiện các tiêu chí của thôn thông minh, lan tỏa các tiện ích số trong cuộc sống.
Nhà văn hóa thôn Thanh Thượng đã trở thành địa điểm đọc sách báo quen thuộc của người dân trong thôn.
Ra mắt từ tháng 3/2024, mô hình "Thư viện số" được Huyện đoàn Hoa Lư triển khai đặt tại Nhà văn hóa thôn Thanh Thượng và Áng Ngũ (xã Ninh Hòa). Theo đó, điểm wifi công cộng và "Thư viện số" được đặt tại nhà văn hóa các thôn. Khi đến nhà văn hóa người dân được sử dụng wifi miễn phí và đảm bảo dung lượng truy cập tối đa.
Để thực hiện công trình, Huyện đoàn đã huy động nguồn lực lắp đặt miễn phí và hỗ trợ tiền cước sử dụng trong 12 tháng đầu tiên, từ những tháng tiếp theo các đơn vị tự duy trì với gói cước ưu đãi. Tại các nhà văn hóa thôn khi có điểm wifi công cộng sẽ được cung cấp 1 mã QR thông tin thư viện. Khi dùng điện thoại thông minh quét mã sẽ hiện ra giao diện với nhiều đầu mục sách về Đảng, về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ; các hoạt động Đoàn, Hội, Đội, tranh truyện thiếu nhi… với hơn 100 đầu sách để đoàn viên, hội viên và nhân dân thuận tiện trong tra cứu thông tin, nghiên cứu, đọc sách, tài liệu.
Đồng chí Phạm Thị Thủy Tiên, Bí thư Đoàn xã Ninh Hòa cho biết: Mô hình "Thư viện số" do Huyện đoàn Hoa Lư đầu tư không chỉ góp phần cung cấp những kiến thức hữu ích cho giới trẻ mà còn giúp khơi dậy, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Hiện nay, việc sử dụng điện thoại thông minh rất phổ biến, nhất là với giới trẻ, do đó mô hình "Thư viện số" sau 5 tháng triển khai đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của cộng đồng dân cư. Đây là niềm vui và động lực để tổ chức Đoàn tiếp tục nhân rộng mô hình ra nhiều địa bàn dân cư khác trong xã, trong huyện.
Phát huy tinh thần đổi mới, tiên phong của tuổi trẻ trong chuyển đổi số, các mô hình "Thư viện số" ở xã Ninh Hòa đã góp phần nâng cao chất lượng học tập, giải trí trong đoàn viên, thanh niên và nhân dân. Đồng thời chung tay cùng cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng thôn, xóm thông minh ở địa phương.
Bài, ảnh: Lý Nhân