thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta sớm nhận ra được vai trò, sức mạnh của thanh niên, tuổi trẻ trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc bảo vệ, xây dựng nước nhà. Vì vậy, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng con người, đặc biệt là thế hệ học sinh, sinh viên.
Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào Cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.
Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
Sau Cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện ba nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra.
Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào học sinh, sinh viên. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương.
Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 09/01/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội Toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất vào tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09 tháng 01 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên.
Trong cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thế hệ thanh niên. Bác đã nhiều lần nói chuyện trực tiếp với sinh viên đang học tập trong nước, ở nước ngoài và sinh viên các nước đến dự hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế tại Việt Nam. Những lời dạy bảo, những tình thương bao la mà gần gũi của Bác đối với thanh niên, học sinh mà chúng ta có được qua những bài nói tại các buổi lễ khai mạc trường Đại học; Đại hội sinh viên; Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế…
Đối với việc chăm lo đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng thanh niên, trong đó có lớp thanh niên trí thức – những thanh niên, sinh viên đang được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng được Bác dành sự quan tâm đặc biệt. Ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên, việc giáo dục đào tạo không phải là “cầm tay chỉ việc”, uốn nắn từng chút một, mà quan trọng là phải truyền được cho các em tinh thần tự học, tự khám phá, chủ động, sáng tạo, giúp các em định hướng được mục đích của việc tự học tập, tự xác định được con đường phấn đấu cho tương lai. Chỉ như vậy các em mới có thể kiên trì trên con đường học tập theo phương châm “học, học nữa, học mãi” của lãnh tụ Lê nin vĩ đại.
Bác yêu cầu các thế hệ học sinh, sinh viên: Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”. Bác cũng luôn lưu ý học sinh, sinh viên rằng, để việc học tập thành công và trở nên hữu ích thì học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải đi cùng thực tiễn. Bác nói: “Chỉ biết lý thuyết mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa, “lý luận phải gắn liền với thực tế”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương bao la, sâu sắc nhất. Người đã khẳng định: Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà…Chính vì thế, việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của toàn xã hội, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa”. Nhớ lời dạy của Bác kính yêu, mỗi thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam “cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập; Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị; Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được; Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp..”; những nhà quản lý giáo dục, những thầy cô giáo – là những người có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp trồng người, hãy luôn khắc ghi những lời Bác căn dặn, coi đó là kim chỉ nam định hướng cho triết lý giáo dục hiện đại nhằm tìm ra giải pháp đưa nền giáo dục nước nhà phát triển tích cực và bền vững, góp sức vào công cuộc CNH-HĐH đất nước, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ban tuyên giáo huyện ủy