Thứ năm, 18/04/2024,
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Hoa Lư

Để lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư diễn ra trang trọng, vui tươi, lành mạnh

Thứ sáu, 04/04/2014 | Đã xem: 2786 | Nhận xét: 10
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 

Để lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư diễn ra trang trọng, vui tươi, lành mạnh

Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư năm 2014 là lễ hội kỷ niệm 1046 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên tại Việt Nam. Xác định đây là lễ hội lớn của huyện, là dịp để thu hút du khách trong và ngoài nước biết đến Ninh Bình nên từ nhiều ngày qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện Hoa Lư đã tích cực chuẩn bị các điều kiện, công việc cho lễ hội…

Thi đấu bóng chuyền tại Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư. Ảnh tư liệu: P.T
Thi đấu bóng chuyền tại Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư. Ảnh tư liệu: P.T

 

Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Dương Bá Lanh, Phó Chủ tịch UBND huyện để hiểu thêm về lễ hội truyền thống đặc sắc của Cố đô Hoa Lư.

 

Phóng viên (P.V): Đã nhiều năm là địa phương tổ chức lễ hội truyền thống Cố đô, huyện Hoa Lư xác định việc tổ chức lễ hội nhằm hướng tới mục đích gì?

 

Đ/c Dương Bá Lanh: Là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trong năm, trong đó có lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất là lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư. Xác định mỗi lễ hội được tổ chức là cơ hội thu hút du khách về với Ninh Bình, là cơ hội để huyện quảng bá, giới thiệu những tiềm năng về vùng đất, con người Ninh Bình. Do đó, việc tổ chức lễ hội mang quy mô cấp huyện nhưng đã thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các thành phần kinh tế và nhân dân trong, ngoài huyện theo hướng đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động tổ chức lễ hội.

 

Thông qua việc tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm, huyện Hoa Lư xác định phải tổ chức tốt các hoạt động cả phần lễ và phần hội nhằm bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tuyên truyền, giáo dục truyền thống dựng nước, giữ nước của các bậc tiền nhân cho các thế hệ con cháu, nhất là thế hệ trẻ. Thông qua việc tổ chức lễ hội truyền thống vào dịp đầu năm còn nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 của huyện.

 

Hoạt động tuyên truyền phục vụ Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư. Ảnh tư liệuPhương Thảo

 

 

P.V: Qua các năm tổ chức lễ hội, việc xây dựng và duy trì nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội được Ban tổ chức lễ hội quan tâm thực hiện như thế nào?

 

Đ/c Dương Bá Lanh: Để có một lễ hội diễn ra đảm bảo các yếu tố: trang trọng, ấn tượng, an toàn và hiệu quả, Ban tổ chức lễ hội của huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban tổ chức, thành lập các tiểu ban với sự tham gia đầy đủ các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương trong huyện nhằm đảm bảo mọi công việc chuẩn bị cho lễ hội được đầy đủ, chu đáo. Trong đó, công tác xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội được huyện hết sức quan tâm. 

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân khi tham gia lễ hội đến việc phục vụ lễ hội và triển khai hoạt động du lịch, dịch vụ tại lễ hội, huyện Hoa Lư đã chỉ đạo các đơn vị tham gia lễ hội triển khai thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm như: bói toán, xóc thẻ... nhằm đảm bảo nếp sống văn minh, ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan, hướng người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh. 

Qua nhiều năm tổ chức lễ hội, chưa có năm nào để xảy ra tình trạng đáng tiếc như trộm cắp, gây lộn, tai nạn giao thông... ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, các hoạt động bán hàng, chụp ảnh, xe ôm được chấn chỉnh và đưa vào nền nếp. Huyện đã xây dựng các ki ốt bán hàng, quy hoạch các khu, điểm bán hàng, yêu cầu các hộ gia đình tham gia kinh doanh đăng ký thực hiện nếp sống văn minh... Với những nỗ lực của mình, huyện Hoa Lư mong muốn lễ hội hàng năm sẽ là "điểm nhấn" quan trọng trong hoạt động du lịch của địa phương.

 

P.V: Hiện nay, các lễ hội thường được các địa phương trong cả nước tổ chức theo xu hướng xã hội hóa. Vậy đối với lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư, công tác xã hội hóa được chú trọng ở những nội dung nào?

 

Đ/c Dương Bá Lanh: Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư là sự kiện văn hóa lớn của huyện, mang sắc thái đặc trưng của văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ nên các hoạt động của lễ hội phải đảm bảo trang trọng, ấn tượng, an toàn và hiệu quả. Nội dung hoạt động trong lễ hội phải phong phú, hấp dẫn, thiết thực, mang đậm bản sắc truyền thống, nét độc đáo của đất nước và con người, vùng đất cố đô, của quê hương Ninh Bình thân thiện và mến khách.

 

Lễ hội hàng năm được tổ chức có sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các thành phần kinh tế và nhân dân trong, ngoài huyện theo xu hướng xã hội hóa lễ hội. Đây cũng là xu hướng mà nhiều địa phương trong cả nước có lễ hội đang hướng tới thực hiện theo chủ trương của Nhà nước nhằm giảm thiểu chi phí cho ngân sách, huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, các thành phần kinh tế vào việc tổ chức các hoạt động của lễ hội, nhất là các hoạt động của phần hội.

 

Như trong mỗi dịp lễ hội truyền thống Cố đô hàng năm, cùng với vai trò nòng cốt của huyện Hoa Lư, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian đã có sự tham gia tích cực của các đơn vị, địa phương trong tỉnh như: triển lãm ảnh nghệ thuật của Nhiếp ảnh tỉnh, hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch do Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh tiến hành, trưng bày cổ vật thời Đinh- Lê của Bảo tàng tỉnh, chiếu phim của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh, giải bóng chuyền, thi đấu vật dân tộc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức…

 

Ngay trong địa bàn huyện, các hoạt động của lễ hội cũng do các đoàn thể, địa phương đảm nhiệm như: lễ rước nước, các đội rước kiệu, các đội tế lễ cổ truyền do nhân dân các xã Trường Yên, Ninh Giang, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh An thực hiện; thi mâm ngũ quả do Hội Phụ nữ huyện chủ trì; thi cờ tướng do Hội Cựu chiến binh huyện tổ chức…

 

Việc huy động được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, người dân vào việc tổ chức các hoạt động lễ hội cũng chính là nhằm nâng cao chất lượng hưởng thụ các giá trị văn hóa của lễ hội cho người dân, chia sẻ trách nhiệm của mỗi người dân về ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của địa phương, góp phần duy trì các nét đẹp của lễ hội truyền thống.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

 

Phan Hiếu (Thực hiện)

Báo Ninh Bình

 

Độ ẩm:

Gió:

Quản lý văn bản
Một cửa điện tử

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

672426

Trực tuyến : 12

Hôm nay : 529

Hôm qua : 1162